Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh (1997-2023), Bắc Ninh vận dụng và thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nông nghiệp bằng việc ban hành 19 văn bản quy định về hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Đặc biệt, Nghị quyết 07 về việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và các ngành nghề nông thôn được HĐND tỉnh Bắc Ninh ban hành tháng 7-2022 thực sự là đòn bẩy, góp phần thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.

Nuôi cá lồng trên sông là một hướng phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa chất lượng

 

Đến nay, Bắc Ninh có 1.242 vùng lúa năng suất, chất lượng cao với quy mô mỗi vùng từ 3 ha trở lên; 71 vùng rau màu chuyên canh quy mô từ 5 ha trở lên, với các sản phẩm chủ lực như cà rốt, khoai tây, bí các loại, hành tỏi, rau xanh các loại… 24 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên, như: Vùng cam Đường canh, cam Vinh ở huyện Thuận Thành, Lương Tài; bưởi Diễn, chuối, ổi ở huyện Tiên Du; bưởi Da xanh ở huyện Lương Tài; đã hình thành và phát triển được 69 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 167 ha, trong đó có 22 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 138  ha; 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 29,13 ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên đơn vị diện tích canh tác của tỉnh đạt 139 triệu đồng/ha.

Sản xuất chăn nuôi của tỉnh trong năm qua có nhiều thuận lợi, do không có dịch bệnh lớn xảy ra, các cơ sở chăn nuôi bám sát diễn biến của thị trường vì vậy có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không có hiện tượng sản phẩm chăn nuôi bị ứ đọng. Phương thức chăn nuôi đã có sự chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hoá. Toàn tỉnh hiện có 531 trang trại, trong đó có 44 trang trại quy mô lớn; có 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn, gia cầm và chăn nuôi hỗn hợp. Có 72 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ chuồng lồng, chuồng kín với hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống, vệ sinh tự động. Công tác cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống vật nuôi được đẩy mạnh, có 06 cơ sở lớn chuyên sản xuất con giống lợn với hơn 10.000 con và 7 cơ sở lớn chuyên sản xuất con giống gà với hơn 392.000 con. Bắc Ninh đã hình thành một số mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 18 HTX dịch vụ chăn nuôi và câu lạc bộ chăn nuôi; 13 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp.

Sản xuất thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng trên sông tiếp tục có vai trò quan trọng làm tăng sản lượng thủy sản của tỉnh, góp phần thay đổi cơ cấu đàn cá thả nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, năng suất, sản lượng và tăng thu nhập cho người nuôi, đồng thời tạo việc làm, cải thiện đời sống cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 162 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung có diện tích từ 10ha trở lên, bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất thủy sản theo hướng hàng hoá, vùng nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi theo hướng VietGAP để phát triển bền vững. Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 40.500 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 39.450 tấn, tăng 2,35%. Toàn tỉnh đang duy trì gần 4.800 ha ao nuôi và 2.485 lồng cá trên sông.

Đón xuân Quý Mão năm nay, khắp các vùng quê nông thôn của Bắc Ninh bừng sắc mới nhờ thành quả xây dựng Nông thôn mới mang lại sau nhiều năm nỗ lực, bền bỉ phấn đấu. Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng Nông thôn mới”; thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”,…được phát động, lan tỏa sâu rộng. Qua đó tạo cho nông thôn Bắc Ninh một diện mạo văn minh, văn hóa, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. 100% số xã, huyện trong tỉnh đã và đang triển khai xây dựng Nông thôn mới nâng cao hướng tới Nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, có 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 9 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh vận dụng và thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nông nghiệp bằng việc ban hành 19 văn bản quy định về hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Đặc biệt, Nghị quyết 07 về việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và các ngành nghề nông thôn được HĐND tỉnh Bắc Ninh ban hành tháng 7/2022 thực sự là đòn bẩy, góp phần thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển một cách bền vững.

Bước vào năm 2023, Bắc Ninh tiếp tục mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế – xã hội; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch và xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.

V.T