Phát triển các sản phẩm chủ lực
Với quan điểm, sản xuất nông nghiệp phải gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, đặc sản địa phương. Nhóm danh mục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh được ban hành theo Quyết định số 685/QĐ-UBND ngày 7-5-2019 của UBND tỉnh gồm: Về trồng trọt có gạo chất lượng cao, rau củ quả an toàn; chăn nuôi gần lợn giống, gà giống, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm; thuỷ sản gồm các đối tượng có năng suất, giá trị kinh tế cao, thủy đặc sản như cá lăng chấm, ngạnh, cá chiên, cá tầm.
Để phát triển mạnh mẽ các sản phẩm chủ lực, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Đề án nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm theo hướng có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và tiến tới thị trường xuất khẩu. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; khai thác hiệu quả chính sách, giải pháp và nguồn lực để mở rộng quy mô, chất lượng và thương hiệu sản phẩm, bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện.
Sản xuất hoa trong nhà màng, hướng đến nền nông nghiệp giá trị cao.
Đối với nhóm sản phẩm đặc sản địa phương có quy mô nhỏ, tập trung vào các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy bản sắc, lợi thế của các địa phương, gắn với xây dựng Nông thôn mới theo mô hình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành 1.105 vùng lúa năng suất, chất lượng, quy mô mỗi vùng từ 3 ha trở lên; 71 vùng rau màu chuyên canh quy mô từ 5 ha trở lên, tập trung ở vùng đất chuyên màu và đất bãi; 24 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô từ 2 ha trở lên; 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 161,65 ha, gồm 25 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính; 162 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, diện tích từ 10 ha trở lên, bước đầu sản xuất thủy sản theo hướng hàng hoá, vùng nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi theo hướng VietGap; 72 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín có hệ thống làm mát, máng ăn, uống tự động. Kết quả này khẳng định thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, làm nền tảng để hình thành nền nông nghiệp giá trị cao trong thời gian tới.
Khai thác hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ
Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của Trung ương như Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù cho sản xuất nông nghiệp và chuyển hoá hiệu quả các chính sách vào thực tiễn sản xuất. Cụ thể: Nghị Quyết số 147/2018/NQ-HĐND, ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 17-7-2020 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 17-7-2020 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh. Mới đây nhất là Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND, ngày 7-7-2022 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tỉnh cũng tiếp tục rà soát, bổ sung kịp thời các chính sách, đặc biệt là các chính sách đặc thù theo hướng đủ mạnh, đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận được các chính sách để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản theo hướng an toàn, bền vững. Đổi mới hệ thống tài chính, tín dụng; tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đơn giản hoá các thủ tục, tạo điều kiện khuyến khích thu hút viện trợ quốc tế, đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong việc triển khai các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, phí. Đổi mới hoạt động đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn. Giao quyền chủ động cho các hợp tác xã, tổ chức nông dân, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp tham gia đề xuất yêu cầu, xây dựng nội dung đào tạo kỹ năng về sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề phi nông nghiệp, các kỹ năng kinh tế số, công nghệ mới, kỹ năng quản lý kinh tế, xúc tiến thương mại, quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ sản xuất, ngoại ngữ cho lao động xuất khẩu… theo sát yêu cầu thực tế gắn với giải quyết việc làm và phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn… để nông nghiệp thực sự trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế.