Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đầu năm tăng trưởng ấn tượng
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 2/2024 đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 16,5% so với tháng 1/2024. Tính chung hai tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước. Toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp xuất siêu 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần so với hai tháng đầu năm 2023.
Đóng góp vào kết quả chung, nhóm hàng nông sản đạt 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%; nhóm lâm sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; nhóm thủy sản đạt 1,37 triệu USD, tăng 28,9%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt 78 triệu USD, tăng 15,1%; nhóm đầu vào sản xuất đạt 309 triệu USD, tăng 13,6%.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hai tháng đầu năm 2024 tới các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực châu Á đạt 4,55 tỷ USD, tăng 43%; châu Mỹ đạt 2,31 tỷ USD, tăng 74,2%; châu Âu đạt 1,28 tỷ USD, tăng 52,6%; châu Đại Dương đạt 135 triệu USD, tăng 48,8%; châu Phi đạt 129 triệu USD, tăng 60,4%.
Trong hai tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhờ tăng trưởng tới 77,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 21,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tiếp đến là Trung Quốc, tăng 47,9% và chiếm tỷ trọng 21%; Nhật Bản tăng 29,2%, chiếm tỷ trọng 7,2%….
Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 54 tỷ USD. Hiện, nông sản Việt Nam có 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ)…
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng ghi nhận: Những mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực đã đạt được tăng trưởng xuất khẩu “ngoạn mục” trong năm 2023, trong hai tháng đầu năm 2024 vẫn tiếp tục tăng cao. Điển hình như xuất khẩu gạo: nếu như năm 2023 tăng 35,3% về giá trị so với năm 2022, thì chỉ trong hai tháng đầu năm 2024 đã tăng tới tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 575 USD/tấn, thì trong hai tháng đầu năm nay đã thiết lập mức kỷ lục mới cho giá xuất khẩu gạo bình quân, lên tới gần 700 USD/tấn.
Đối với mặt hàng rau quả, năm 2023 ghi dấu ấn kỷ lục khi đạt kim ngạch xuất khẩu 5,6 tỷ USD, tăng 65,6% so với năm 2022. Sang hai tháng đầu năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 970 triệu USD, giá trị xuất khẩu rau quả tăng 72,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hạt điều cũng không “kém cạnh” khi đạt kim ngạch 595 triệu USD trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 68,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023 đã chứng kiến sự suy giảm mạnh của hai ngành hàng thủy sản và sản phẩm gỗ, trong đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 18%; kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 16,2% so với năm 2023. Thế nhưng, sang đến hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của ngành hàng gỗ đã “sáng cửa” trở lại khi đạt được mức tăng trưởng rất cao. Cụ thể, kim ngạch nhóm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,68 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ngành hàng thủy sản dường như vẫn chưa tìm được sự hồi phục, chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 620 triệu USD trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngành này cũng đang có những diễn biến trái chiều giữa các sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Trong khi xuất khẩu tôm đạt 403 triệu USD, tăng 20,5%, thì sản phẩm cá tra chỉ đạt 224 triệu USD, giảm 0,7%.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hai tháng đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: tăng trưởng cao là kết quả của cả quá trình tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, chuyển dần sản xuất gắn với thị trường. Năm 2023 Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của nước ta khi tăng trưởng 18% so với năm 2022 và chiếm tỷ trọng 23,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ do giảm 17,9%, đã bị đẩy xuống vị trí thứ hai và chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ đã giành lại vị trí số một nhờ tăng trưởng tới 77,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 21,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đứng thứ hai, tăng trưởng 47,9%, với tỷ trọng chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Điều này cho thấy chất lượng nông sản Việt Nam đã được nâng cao, bởi đây là những thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khắt khe…
Cấp bách xây dựng thương hiệu nông sản Việt
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình nhằm tạo chính sách để phát triển thương hiệu nông sản. |
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình nhằm tạo chính sách để phát triển thương hiệu nông sản như: Chương trình sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 – 2030. Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định phát triển 3 cấp độ thương hiệu gồm: thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực quốc gia; thương hiệu nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm OCOP với nhóm nông sản quy mô nhỏ.
Tuy vậy, thương hiệu nông sản Việt đến nay vẫn rất “mờ nhạt”. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, hiện có đến 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô; 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng.
Việc xây dựng thương hiệu nông sản và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với nhiều nông sản chủ lực đang gặp vướng mắc về mặt pháp lý và kinh phí. Đến nay, mới có 2/13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm: nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và gạo Việt Nam (Bộ NN&PTNT làm chủ sở hữu). Các sản phẩm như cà phê, tôm, cá tra… đang trong quá trình xây dựng.
Về xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương, đến nay có 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Tính đến giữa năm 2023, có 626 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận địa phương; gần 1.900 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Nhiều chuyên gia nhận định, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản được đề cập nhiều nhưng vẫn chung chung, chưa cụ thể. Các sản phẩm nằm rải rác ở các quyết định, chương trình; chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan…
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thương hiệu nông sản phải đi lên từ chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Thực tế, chúng ta chỉ mới triển khai truy xuất nguồn gốc được 1 – 2 năm gần đây, chất lượng cũng còn nhiều vấn đề (liên quan đến giống cây trồng, cách trồng, cách thu hái, đóng gói, bảo quản).
Đơn cử, Chile là nước ở Nam Mỹ nhưng chiếm lĩnh thị trường cherry lớn nhất ở Trung Quốc, mặc dù mặt hàng này không phải chỉ nước này có. Chile phải cạnh tranh với Mỹ, Australia… nhưng họ bảo đảm được giống tốt, công nghệ bảo quản tốt nên có thể vận chuyển đường dài, đóng gói bao bì bắt mắt, giá cả phải chăng. Còn tại Việt Nam, những mặt hàng chế biến chưa có thương hiệu mạnh vì đa số chúng ta sơ chế để xuất khẩu chứ chưa phải là khâu cuối cùng. Công nghệ chế biến cũng chưa đạt mức nước nhập khẩu mong muốn để đưa vào chuỗi siêu thị.
Năm 2024, ngành rau quả hướng đến mục tiêu xuất khẩu 6,5 – 7 tỷ USD, trong đó sầu riêng được xác định là mặt hàng trọng điểm, nên rất cần xây dựng và bảo vệ thương hiệu quốc gia, ông Nguyên nhấn mạnh. Theo đó, phải có biện pháp kiểm soát chặt việc thu hái sầu riêng non không đạt chất lượng; đẩy mạnh việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn mặt hàng sầu riêng xuất khẩu; chỉ cấp phép xuất khẩu cho loại sầu riêng có uy tín, có thể tạo ra thương hiệu quốc gia… Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm đầu tư cho ngành bằng chính sách, luật lệ, bằng sự quản lý chặt chẽ, tạo nguồn lực cụ thể là tài chính để xây dựng thương hiệu hiệu quả.
Chuyên gia nông nghiệp TS. Nguyễn Đăng Nghĩa nhấn mạnh, việc làm cấp thiết là cần có nhãn hàng chung cho nông sản Việt Nam và phải xây dựng được logo. Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng phải đáp ứng các yêu cầu của đối tác, tổ chức sản xuất để đáp ứng được số lượng, chất lượng, giá cả. Quan tâm khâu tổ chức sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho mỗi loại nông sản đặc thù.
Các cơ quan cần quản lý chất lượng cần kiểm soát và giám sát thật chặt chẽ chất lượng nông sản. Phải đáp ứng không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật theo Nghị định 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế và tiếp theo là đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của đối tác nước ngoài. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, thậm chí là Bộ Ngoại giao trong câu chuyện xây dựng thương hiệu.
Đại diện các địa phương cũng đề xuất, để xây dựng thương hiệu nông sản Việt mang lại hiệu quả, cần rà soát lại thế mạnh nông sản của từng địa phương. Xây dựng khung hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm mang tính chất thương hiệu quốc gia; chú ý hệ sinh thái và phát triển thương hiệu, quan tâm đến cơ chế quản lý.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành nghị định về xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Bộ cũng tiến hành xây dựng thương hiệu cho xoài và sầu riêng, vì hai loại nông sản này hiện chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.