Tạo lợi thế cho sản phẩm địa phương

 Những năm gần đây, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội nông thôn bền vững.

Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh tập trung chỉ đạo các ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Để đạt các mục tiêu đặt ra, tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản, sản phẩm OCOP và ngành nghề nông thôn có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng và mua thiết bị kho lạnh, thiết bị chuyên dùng cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi; hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu mua tem phục vụ truy xuất nguồn gốc (quy định mức hỗ trợ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân). Các tổ chức, cá nhân sản xuất có sản phẩm được cấp có thẩm quyền phê duyệt tham gia Chương trình OCOP sẽ được hỗ trợ 50% chi phí tư vấn xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu.
Để kịp thời tham mưu cho tỉnh tiếp tục có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, ông Lưu Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Những năm qua, Chi cục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chiến lược, giải pháp thực hiện bám sát thực tiễn để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản phẩm OCOP hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, lợi ích khi tham gia Chương trình. Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP dựa trên cơ sở quy hoạch chung tỉnh về phát triển nông nghiệp, như: Vùng trồng Khoai tây tại huyện Quế Võ, vùng trồng Cà rốt tại các huyện: Gia Bình, Lương Tài, vùng trồng chuối tại Chi Lăng, Hán Quảng (Quế Võ), Cảnh Hưng (Tiên Du), vùng trồng cây dược liệu tại Thái Bảo (Gia Bình), An Thịnh (Lương Tài)… Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi loại hình hoạt động của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác sang thành lập doanh nghiệp, HTX. Từng bước chuẩn hóa sản phẩm theo chu trình OCOP thường niên. Tiếp tục tham mưu tỉnh có những chính sách đặc thù phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, vừa gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống vừa tạo sức bật cho các sản phẩm OCOP vươn xa.

 

Nem Kinh Bắc 99 (Lương Tài) tăng sức cạnh tranh nhờ tham gia, được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

 

Đến nay, toàn tỉnh có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao  của 38 chủ thể trên địa bàn 8/8 huyện, thành phố, chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm lưu niệm và trang trí. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều mở rộng được thị trường, hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin dùng. Điển hình như sản phẩm Nem 99 Kinh Bắc của Công ty TNHH Thương mại và Chế biến thực phẩm Nem 99 Kinh Bắc. Anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty cho biết: Sau hơn 2 năm được công nhận sản phẩm OCOP, thương hiệu Nem 99 Kinh Bắc ngày càng khẳng định chất lượng và uy tín, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng đặt hàng, sử dụng. Đây cũng là động lực để công ty tiếp tục sản xuất những sản phẩm chất lượng nhất tới tay người tiêu dùng. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục xây dựng, đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp Trung ương.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 – 2025, toàn tỉnh  phấn đấu công nhận ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, ít nhất có 2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao (mỗi huyện, thành phố có ít nhất 25 sản phẩm OCOP được công nhận); ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; có ít nhất 30% làng nghề trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề; ít nhất 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử;…); xây dựng 3 mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP. Để tạo sức lan tỏa của Chương trình OCOP, thời gian tới, Ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các doanh nghiệp, HTX và hộ dân hiểu về lợi lích của việc tham gia Chương trình OCOP, nhất là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh đối với các sản phẩm OCOP. Tham mưu tỉnh có những chính sách đặc thù đối với các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của từng địa phương, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng nhằm gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng NTM bền vững.

Nguyễn Tuấn