Quế Võ khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đây là một trong những mục tiêu huyện Quế Võ đề ra nhằm bắt kịp xu thế, tạo ra những đột phá mới, bảo đảm nông nghiệp phát triển bền vững.

Với mong muốn gắn bó với nông nghiệp, ước mơ sản xuất ra những thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại, năm 2015, sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi, anh Phạm Văn Sơn quyết định thuê hơn 2.000m² đất tại thôn Xuân Bình, xã Đại Xuân (Quế Võ) để xây dựng hệ thống nhà màng, áp dụng công nghệ cao trồng giống dưa chuột baby và dưa lưới và trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.

Được trồng trong nhà màng công nghệ cao với kỹ thuật chăm sóc hiện đại, vườn dưa lưới, dưa chuột baby và măng tây xanh của anh Sơn ngày càng phát triển tốt, cho năng suất cao, thị trường ngày càng được mở rộng, hiện cung ứng cho nhiều nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh. Trung bình 1000m² dưa lưới cho năng suất thu hoạch 2,5 tấn/ vụ với giá bán buôn 35 nghìn đồng/1kg; 5 tấn dưa chuột baby/vụ với giá 20 nghìn đồng/1kg và 35 đến 40kg măng tây/ ngày thu trong 8 tháng. Tổng doanh thu đạt 655-700 triệu đồng/năm, trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ năm.

 

Mô hình nuôi thỏ công nghệ cao của anh Phạm Trọng Thuần xã Đức Long cho hiệu quả kinh tế cao

 

Những năm gần đây, huyện Quế Võ đẩy mạnh triển khai, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp thâm canh góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các giống lúa năng suất, chất lượng cao được ứng dụng đại trà vào sản xuất tăng từ 8.300 ha (năm 2020) lên 10.229 ha (năm 2022), năng suất bình quân đạt 66,7 tạ/ha, tăng 2,8 tạ/ha so năm 2020; vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao tăng lên 396 vùng; toàn huyện triển khai giống khoai tây Marabel nhập khẩu từ Đức, diện tích 167 ha, sản lượng đạt gần 2.700 tấn đáp ứng cơ bản nhu cầu giống khoai tây cho 1300-1500 ha sản xuất vụ Đông.

Quế Võ hiện có gần 2 ha nhà màng, nhà kính và nhà lưới ứng dụng công nghệ cao để sản xuất rau, dưa, hoa… tập trung chủ yếu tại các xã Mộ Đạo, Yên Giả, Đại Xuân, Bồng Lai. Trong quá trình sản xuất, nhiều kỹ thuật được ứng dụng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Theo tính toán, hiệu quả kinh tế đối với diện tích sản xuất trồng trọt quy mô lớn, diện tích ứng dụng CNC, các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP được cung ứng theo chuỗi đều cao hơn so với sản xuất thông thường từ 1,2 cho đến 2 lần.

Nhiều ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, như: Công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; các tiến bộ kỹ thuật trong ứng dụng giống thâm canh cao, như: giống lợn siêu nạc, giống gà, vịt, ngan siêu thịt, siêu trứng, kiêm dụng; xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ bể bioga, chế phẩm vi sinh; công nghệ tự động hóa trong nuôi gà đẻ trứng…

 

Mô hình trồng rau, củ quả theo hướng VietGAP hoặc trồng trong nhà lưới, nhà màng trên địa bàn huyện Quế Võ ngày càng nhiều

 

Trong sản xuất thủy sản, một số công nghệ nuôi cá thâm canh như: quạt nước, thức ăn công nghiệp và chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi…được ứng dụng nhằm tăng năng suất va chất lượng cá. Đến nay, toàn huyện có 590 lồng nuôi cá, trong đó: xã Đức Long có 409 lồng, xã Chi lăng có 33 lồng, xã Hán Quảng có 148 lồng nuôi…. Năng suất bình quân đạt từ 5,5-6 tấn/lồng/năm, sản lượng đạt hơn 3.000 tấn. 2 cơ sở nuôi cá lồng trên sông Đuống tại xã Đức Long và Hán Quảng được chứng nhận sản xuất theo VietGAP và tem QR truy xuất nguồn gốc, với tổng số 158 lồng.

Những dấu ấn trong phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở huyện Quế Võ là minh chứng sinh động cho hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trong huyện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tích tụ đất đai gặp nhiều khó khăn do tư tưởng giữ ruộng chờ có dự án; chưa có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp… ; các mô hình liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi còn thiếu tính bền vững; một số diện tích đất được tích tụ, tập trung nhưng lại hạn chế về vốn, nguồn nhân lực nên chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo ra đột phá trong phát triển…

Ông Ngô Đăng Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quế Võ nhận định: Trở thành thị xã trong thời gian tới, huyện Quế Võ xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cần phù hợp với thực tế phát triển nông nghiệp đô thị. Do đó, địa phương đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó chủ động, khẩn trương quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch; tăng cường quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp; có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, HTX, tổ hợp tác và nông hộ, cá nhân sản xuất lớn… Từ đó, tạo môi trường thuận lợi để khơi dậy sức sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị nông sản thực phẩm chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng kênh phân phối, đặc biệt các điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong huyện được tham gia các hội chợ, triển lãm về nông nghiệp.

Hoa- Me