Phát triển nông sản hàng hóa hiệu quả kinh tế cao

Những năm qua, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, hiện đại, Sở Nông nghiệp và PTNT luôn chủ động, tích cực tham mưu tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ được triển khai sâu rộng, từng bước hình thành các vùng, cơ sở sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại thôn Bằng Lục, xã Thụy Hòa (Yên Phong).

 

Cụ thể như Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND, ngày 7/7/2022 quy định hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Quyết định số 162/QĐ-UBND, ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản có giá trị kinh tế cao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng năm 2030”; Kế hoạch số 595/KH-UBND, ngày 14/9/2021 Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 596/KH-UBND, ngày 15/9/2021 cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Kế hoạch số 202/QĐ-UBND, ngày 25/3/2022 thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao nhằm xây dựng và phát triển các vùng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025;… đang mang đến những nguồn lực quan trọng thúc đẩy nông nghiệp Bắc Ninh phát triển.

Các chính sách tích tụ, tập trung đất đai tạo điều kiện hình thành 1.242 vùng lúa năng suất, chất lượng cao với quy mô mỗi vùng từ 3 ha trở lên; 201 vùng rau màu chuyên canh quy mô từ 02 ha trở lên tập trung ở vùng đất chuyên màu và đất bãi, với các sản phẩm chủ lực như: Cà rốt (Gia Bình, Lương Tài), khoai tây (thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong, Tiên Du), bí các loại, hành tỏi, rau xanh các loại ở huyện Gia Bình, Yên Phong, thị xã Thuận Thành, thành phố Từ Sơn…; 57 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có quy mô từ 1 ha trở lên, như: Vùng cam Đường canh, cam Vinh ở thị xã Thuận Thành, huyện Lương Tài; bưởi Diễn, chuối, ổi ở huyện Tiên Du; bưởi Da xanh ở huyện Lương Tài. Trong đó có 97 cơ sở với quy mô từ 5ha trở lên, tổng diện tích tích tụ là 913,4 ha. Hình thành và phát triển được 111 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích 354,9 ha. Đặc biệt có 52 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP (5 cơ sở sản xuất lúa, 26 cơ sở sản xuất rau, 20 cơ sở sản xuất cây ăn quả) với tổng diện tích 321,18 ha; 59 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 33,8 ha cho doanh thu từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.

Đồng thời, tỉnh tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất kém hiệu quả (theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP, Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 162/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh). Kết quả cho thấy, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi 1.731,4 ha trên đất trồng lúa kém hiệu quả (nhưng vẫn nằm trong quy hoạch đất lúa). Trong đó chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm như: Cà rốt, dưa hấu, dưa lê, bí các loại, rau ăn lá, hoa cây cảnh… là 526,9 ha; chuyển sang trồng cây ăn quả lâu năm (cam, bưởi, chuối, ổi, mít…) là 563,1 ha; chuyển từ đất đồng trũng cấy 2 vụ lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản được 641,4 ha.

Theo đánh giá của Ngành Nông nghiệp, bước đầu cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa kém hiệu quả đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người sản xuất. Ước tính sơ bộ giá trị mô hình chuyển đổi từ lúa sang cây hàng năm cho giá trị cao hơn từ 50-250 triệu đồng/ha; chuyển sang cây ăn quả lâu năm cao hơn từ 100-450 triệu đồng/ha; chuyển sang nuôi trồng thủy sản cao hơn từ 230-400 triệu đồng/ha.

Bắc Ninh tiếp tục mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế – xã hội; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch và xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.

V.T