Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.

Nhờ đó sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Ngành Nông nghiệp đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Trang trại trồng tía tô xanh xuất khẩu của Công ty TNHH nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh.  

 

Trang trại trồng tía tô xanh phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của Công ty TNHH nông nghiệp Công nghệ cao (CNC) Hồ Gươm Bắc Ninh  thuộc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm đầu tư tại xã Lâm Thao (Lương Tài) được triển khai xây dựng từ cuối năm 2016. Trên diện tích 11,3 ha, doanh nghiệp dành 8,3 ha xây dựng nhà kính, diện tích còn lại xây dựng nhà xưởng, ao hồ và các công trình phụ trợ. Quy trình trồng cây tía tô đều phải tuân thủ theo kỹ thuật, công nghệ Nhật Bản, từ việc chọn giống, gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch và được chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn chặt chẽ, nghiêm ngặt trong nhà kính với nhiệt độ luôn duy trì ở mức từ 33-35 độ C. Toàn bộ phụ phẩm của cây tía tô xanh sau khi thu hoạch được Công ty thu gom đem chưng cất thành tinh dầu tía tô, quá trình này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị thu nhập mà còn giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Cuối năm 2021, Công ty tiếp tục bắt tay triển khai dự án trồng nấm công nghệ cao trên diện tích 1,5 ha bao gồm xưởng làm phôi và hệ thống nhà lạnh hơn 2.000 m2. Dây chuyền tự động sản xuất nấm theo công nghệ sinh học trong nhà lạnh của Hàn Quốc được vận hành tự động ở tất cả các khâu và khép kín. Đây là mô hình điểm trong sản xuất tuần hoàn ở lĩnh vực nông nghiệp. Nguyên liệu sản xuất nấm hoàn toàn hữu cơ, gồm mùn cưa, lõi ngô và thành phần tinh bột như cám gạo, cám ngô, đỗ tương, yến mạch chiếm 20-25%. Quá trình pha trộn, đóng gói được vận hành bằng dây chuyền tự động, sau đó đưa vào lò hơi hấp ở nhiệt độ cao trong 5 tiếng. Từ đây, các giá thể được đưa vào nhà lạnh làm nguội và nuôi cấy trong môi trường vô trùng, thời gian từ 45 ngày đến 60 ngày, tùy thuộc vào từng loại nấm. Mọi yếu tố từ nhiệt độ, độ ẩm đến ánh sáng, khí CO2 đều được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế. Toàn bộ giá thể trồng nấm sau khi thu hoạch thay vì chất đống, mang đi xử lý như rác thải thông thường được tái sử dụng trở thành nguồn nguyên liệu tiếp tục phục vụ bón cho cây tía tô tạo thành chuỗi sản xuất hữu cơ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường.
Mô hình trồng 20 ha cam canh kết hợp chăn nuôi 40 bò thịt thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Long ở thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm (Gia Bình) cũng phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn. Để nuôi 40 con bò giống 3B gia đình tận dụng nguồn thức ăn phụ phẩm từ trồng trọt như thân cây ngô, chuối, rơm rạ… kết hợp với cám nuôi vỗ béo dành cho bò thịt. Toàn bộ chất thải từ 40 con bò thịt được thu gom vào khu riêng biệt sau đó trộn với chế phẩm Trichoderma ủ thành đống, sau 20-25 ngày sản phẩm sau khi ủ mục được dùng làm phân bón cho cam, vừa bổ sung vi sinh vật có ích vừa phòng trừ nấm, vi khuẩn gây bệnh trên cây trồng và giúp tăng cường phát triển bộ rễ, cộng sinh tốt với tất cả các loại sinh vật có ích trong đất, giúp tăng độ tơi xốp cho đất tạo điều kiện cho cam canh sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh.
Ngoài 2 mô hình trên, toàn tỉnh có nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn được thực hiện, điển hình như: Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ liên kết với tiêu thụ sản phẩm; mô hình sản xuất nấm; mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò thịt, bò sinh sản tại các khu chăn nuôi tập trung; mô hình kinh tế tổng hợp nuôi bò, trùn quế, trồng cỏ (ngô, cây ăn quả), gia súc, gia cầm, cá; mô hình lúa, cá; mô hình nuôi cá “sông trong ao”; mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch ngay tại ruộng để làm phân bón hữu cơ cho sản xuất lúa vụ sau; mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi; mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng trong các trang trại…
Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn còn ở mức khiêm tốn, hiệu quả đạt được chưa cao; các mô hình tái chế và tận thu phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa phát triển nên chưa phát huy hết tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phụ phẩm lớn trong ngành nông nghiệp; tình trạng ô nhiễm môi trường do các phụ phẩm nông nghiệp gây ra còn diễn ra ở nhiều nơi; nhận thức của người dân về nông nghiệp tuần hoàn còn hạn chế; ruộng đất manh mún, khó tích tụ; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; đặc biệt còn thiếu các căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn là hướng đi bền vững góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Để sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn phát triển hơn nữa cần tập trung: Nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân về kinh tế tuần hoàn. Tạo động lực để các địa phương, doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn bao gồm hỗ trợ vốn, công nghệ, thị trường. Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học phát triển công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ vi sinh, nâng cao năng lực tái chế, sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp, biến nguồn phụ phẩm nông nghiệp trở thành nguồn tài nguyên có giá trị quay trở lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất mới…

Nguyễn Tuấn