Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng đi tiên phong của Gia Bình

Trên đồng đất Gia Bình hôm nay không khó bắt gặp những nhà vườn công nghệ cao với sự đầu tư bài bản, khang trang cho hệ thống nhà màng, nhà lưới. Chính tại nơi đây, các tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng mới được thử nghiệm sản xuất, đem lại hiệu quả cao và làm phong phú thêm bức tranh kinh tế của địa phương thuần nông này.

Có mặt tại thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm – vùng thâm canh cây màu truyền thống của huyện Gia Bình, bên cạnh những thửa cải bắp, hành, tỏi ngoài trời, nông dân đang tất bật thu hoạch lứa dưa, rau chuẩn bị cho vụ Tết trong các khu nhà màng. Anh Hoàng Hoa Thám, người vừa đầu tư gần 1ha nhà màng cho biết: “Chúng tôi hoàn thiện xây dựng cơ sở sản xuất công nghệ cao này đầu năm 2023, kinh phí hơn 6 tỉ đồng với các giống cây trồng chính là dưa chuột baby, dưa lưới, dưa lê cao cấp. Đặc điểm của nhà màng là mô hình khép kín, ít chịu ảnh hưởng của sâu bệnh, dễ dàng áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn, đang là xu hướng mà người tiêu dùng quan tâm. Thay vì “trông trời, trông đất, trông mây”, chúng tôi có thể điều chỉnh các yếu tố tác động đến sinh trưởng của cây như nhiệt độ, độ ẩm bằng hệ thống quạt gió, phun sương, tưới nhỏ giọt, châm phân tự động… Mặc dù nguồn vốn ban đầu tương đối lớn nhưng tôi nghĩ để sản xuất lâu dài, bài bản thì cần có sự đầu tư tương xứng”.
Trong giai đoạn 2019-2023, nhờ sự khuyến khích chuyển đổi mô hình sản xuất, các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, diện tích nhà màng, nhà lưới của Gia Bình liên tục tăng. Nếu năm 2019 mới có khoảng 5.000 m2 thì đến nay, toàn huyện có 12 cơ sở tại 6 xã, thị trấn với tổng diện tích hơn 80.000 m2, kinh phí đầu tư hơn 35 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí cây giống, thuê đất sản xuất). Điển hình như mô hình của ông Trần Văn Hiển ở thôn Bùng, xã Bình Dương có 10.500 m2, bà Trần Thu Huyền ở thôn Huề Đông, xã Đại Lai có 12.000 m2, bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú có 6.550 m2, ông Bùi Xuân Quế ở thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng có 5.250 m2… Qua đó, góp phần đưa huyện Gia Bình là đơn vị áp dụng mô hình nhà màng vào sản xuất nông nghiệp quy mô đứng đầu tỉnh. Các sản phẩm chính canh tác tại nhà màng là dưa chuột, dưa lưới, dưa baby… một số hộ thí điểm nho, dâu tây với lợi nhuận bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,5 đến 3 lần so sản xuất nông nghiệp thông thường.

 

Sản xuất dưa baby trong nhà màng tại thôn Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm (Gia Bình).

Theo ông Nguyễn Khắc Đạm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, ưu điểm của nhà màng là cho phép trồng những loại cây có giá trị cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc hóa học và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ kiểm soát khí hậu thông minh, chủ hộ có thể trồng những cây trái mùa để gia tăng lợi nhuận trong quá trình sản xuất của mình. Tuy nhiên, khó khăn trong việc phát triển các mô hình nhà màng là kinh phí đầu tư ban đầu lớn, việc tích tụ đất đai còn khó khăn do giá thuê cao và thời gian cho thuê ngắn. Các mô hình nhà màng chưa có sản phẩm mang tính đặc trưng và gây dựng thương hiệu nông sản cho huyện Gia Bình. Nhiều mô hình thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, thị trường đầu ra bấp bênh… khiến không ít hộ e ngại mở rộng sản xuất.
Năm 2024, theo đăng ký từ các địa phương, huyện Gia Bình dự kiến thực hiện 2 mô hình nhà màng sản xuất rau, củ quả với tổng diện tích khoảng 11.000 m2. Để tiếp tục thực hiện Kế hoạch đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp huyện tích cực tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết 147/2018/NQ-HĐND, Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ 50% kinh phí mua vật tư xây dựng. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Kết nối giữa nông dân với các tổ chức, nhà khoa học, đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, nhãn hiệu nông sản đi liền với các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả, hợp lý để nông nghiệp công nghệ cao đem lại giá trị xứng đáng cho người dân Gia Bình.

Song Giang