Nông nghiệp thông minh – Khát vọng vươn tầm

Từ bao đời nay, cùng với cả nước, người dân Bắc Ninh gắn bó với nền văn minh lúa nước. Theo từng giai đoạn lịch sử, sản xuất lúa nói riêng và nền nông nghiệp nói chung đã dần biến chuyển từ thủ công truyền thống sang sản xuất theo hướng công nghệ cao, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh. Xu hướng đó không những là mục tiêu mà còn là khát vọng của người dân với mong ước “làm chủ” thiên nhiên để luôn có được những mùa vụ bội thu. Bởi thế, nông nghiệp thông minh chính là khát vọng vươn tầm, đã, đang và sẽ trở thành hiện thực trên mỗi cánh đồng, mảnh đất quê hương.

Kỳ 1: NHỮNG BƯỚC NHẢY VỌT

Câu chuyện về làm nông nghiệp thông minh không còn quá xa lạ với người dân Bắc Ninh. Các mô hình trồng rau, hoa cao cấp trong nhà màng, nhà lưới; những trang trại chăn nuôi an toàn sinh học và cả những cánh đồng lúa chất lượng cao thẳng cánh cò bay… đang hiện hữu ngày càng nhiều. Đó là minh chứng cho một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đang dần hình thành làm thay đổi hẳn bản chất của sản xuất nông nghiệp truyền thống mà ở đó nhờ những bước tiến nhảy vọt của khoa học công nghệ, người nông dân đã ứng dụng hiệu quả vào sản xuất để  thực sự làm chủ trên mỗi cánh đồng.  

 

 

 

Giữa cái nắng hè đổ lửa, ai cũng ướt đẫm mồ hôi, bước vào khu chuồng trại nuôi gà đẻ của anh Bùi Quang Thành, khu Táo Đôi, thị trấn Thứa (Lương Tài), chúng tôi như “tỉnh người”. Luồng gió mát chạy theo khoảng không sạch sẽ giữa các dãy lồng gà, khiến ai cũng khó tin đây là khu chăn nuôi. Với tay kiểm tra từng máng nước trên mỗi lồng gà, chủ trang trại chia sẻ: “Nhiệt độ ngoài trời hiện nay khoảng 39-40 độ nhưng trong chuồng nuôi chỉ 26-28 độ. Trước đây nuôi thả truyền thống, cứ mỗi khi nắng nóng, tôi cũng “sốt” theo gà bởi đã áp dụng đủ các biện pháp thủ công chống nóng mà vẫn lo gà chết. Sau khi được đi tham quan và áp dụng các mô hình chăn nuôi hiện đại, gà ăn no, ngủ tốt, đẻ trứng khỏe thì chúng tôi cũng “ăn no ngủ kỹ” hơn”- anh Thành cười sảng khoái.
Để có được môi trường nuôi lý tưởng đó, anh Thành đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại với loạt thiết bị, công nghệ hiện đại. Đó là dàn khung lồng phân chia 3 con/lồng hạn chế sự xô xát, máng ăn, uống tự động và cài đặt theo đúng khẩu phần tính toán. Mỗi chuồng nuôi cũng được lắp đặt hệ thống quạt mát thông gió,nước rửa đáy chuồng, bể biogas… bảo đảm thoáng đãng, sạch sẽ. Với khu nuôi gà giống, trang trại còn áp dụng phương pháp phối tinh nhân tạo; việc ấp nở cũng hoàn toàn chủ động nhờ hệ thống lò ấp, công suất lớn 60.000 quả trứng, tỷ lệ ấp nở thành công lên đến 90%.
“Người ta thường nói, nông dân trước đây thì trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm. Nhưng chúng tôi bây giờ làm nông tự tin và thảnh thơi hơn hẳn, bởi việc đầu tư hạ tầng, quy trình sản xuất hiện đại, vừa nâng cao sản lượng, chất lượng cho đàn vật nuôi lại vừa an toàn cho sức khỏe của người nuôi”, anh Thành khẳng định.
Chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh, anh Nguyễn Xuân Khiêm, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Tâm Phúc, thôn Huề Đông, xã Đại Lai (Gia Bình) có thể điều khiển từ xa nhiều khâu trong quá trình sản xuất. Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất rau, quả giá trị cao như dưa chuột baby, dưa lưới, ớt chuông…, nên ngay khi bắt đầu thuê đất và xây dựng 9 khu nhà màng, tổng diện tích 9.000m2, anh lựa chọn công nghệ canh tác mới nhất. Điểm mấu chốt là lắp đặt hệ thống điều khiển tự động về phun tưới, châm phân cho cây. “Hàng ngày, chúng tôi sử dụng bảng đồng hồ tại mỗi nhà màng để điều khiển nước, phân lân pha theo tỷ lệ cố định, rồi tưới vào từng gốc cây theo dạng nhỏ giọt, bảo đảm đủ 1-1,2 lít/ cây/ ngày. Nhờ đó, việc cung cấp dinh dưỡng cho cây có độ chính xác cao, đồng đều, giúp cây sinh trưởng tốt. Khi điều khiển tự động, tiết kiệm được nhân công, chủ động thời gian nhờ chế độ hẹn giờ sẵn có. HTX chú trọng vào quy trình sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật và tập huấn cho lao động các công đoạn gieo trồng, chăm sóc cây. Dù mất chi phí đầu tư ban đầu, nhưng chỉ có ứng dụng công nghệ hiện đại, mới có thể gia tăng sản lượng, chất lượng, giảm phụ thuộc vào nhân công lao động và kiểm soát tốt các yếu tố rủi ro trong sản xuất nông nghiệp”, anh Khiêm chia sẻ.

 

 

 

Đứng giữa cánh đồng trải dài, anh Vũ Mạnh Khởi ở thôn Phúc Lai, xã Xuân Lai (Gia Bình) hồ hởi nói với chúng tôi: “Làm nông bao năm, tôi không nghĩ có ngày chỉ một mình có thể canh tác cả diện tích 25ha, mà sản lượng thu hoạch tăng 8-10% so với phương pháp truyền thống. Trước đây, mỗi mùa vụ, tôi luôn “đau đầu” về vấn đề đi thuê người cấy, còn phun thuốc trừ sâu thì hầu như không ai nhận bởi sự độc hại. Giờ thì “nhẹ đầu” hơn nhiều rồi…”. Năm 2021, anh được giới thiệu về mô hình máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật và triển khai thử nghiệm cho hiệu quả cao về thời gian, chi phí. Tới vụ mùa năm 2022, anh mạnh dạn sử dụng máy bay không người lái từ khâu gieo vãi, phun thuốc, bón phân với cả 2 giống lúa nếp PD2 và Q5. Anh thực hiện đúng  quy trình ngâm mầm, xử lý mầm, đưa mầm vào máy theo tỷ lệ thích hợp, máy bay thực hiện gieo vãi chỉ trong 30-45 phút là xong 1 ha. Nhờ gieo vãi bằng máy, cây lúa có mật độ đồng đều, không mất nhiều công tỉa dặm, khoảng cách thông thoáng nên ít sâu bệnh hơn hẳn so với gieo bằng tay. Chưa kể, máy bay không người lái với hệ thống lập trình sẵn giúp anh có thể thực hiện gieo, phun thuốc bất cứ thời gian nào, kể cả trời tối hay khi mưa gió, bảo đảm kịp tiến độ mùa vụ.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tiến tới nông nghiệp thông minh đang dần hiện diện ở nhiều cánh đồng, vùng sản xuất trong tỉnh. Trong trồng trọt, các công nghệ mới như tưới thông minh, tưới nhỏ giọt trong nhà màng, nhà kính, viễn thám, Drone (thiết bị bay không người lái)… gắn với truy xuất nguồn gốc ngày càng phổ biến. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, nhiều chuồng trại áp dụng công nghệ vi sinh, khép kín, số hóa quy trình quản lý, vận hành, bảo đảm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, không ô nhiễm môi trường…
Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay toàn tỉnh có 71 vùng rau màu chuyên canh với quy mô từ 5 ha trở lên, 24 vùng cây ăn quả tập trung quy mô 2 ha và hơn 40 ha diện tích nhà màng, nhà kính sản xuất rau, hoa cao cấp, hơn 250 ha lúa sản xuất ứng dụng thiết bị bay không người lái; 72 cơ sở chăn nuôi ứng dụng CNC; hơn 2.400 lồng nuôi cá trên sông… Nhiều cơ sở, HTX, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đưa CNC vào sản xuất, góp phần thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất như: Công ty TNHH may Hồ Gươm, xã Lâm Thao (Lương Tài) đầu tư xây dựng hơn 11,4 ha nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống quạt gió, điều khiển qua máy tính hoặc điện thoại thông minh để trồng tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản; Doanh nghiệp tư nhân cây xanh Phú Lâm(Tiên Du) xây dựng 1.500m2 nhà kính có hệ thống cảm biến điều tiết nhiệt độ theo chu kỳ giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây thông qua điện thoại hoặc máy tính bảng để sản xuất hoa lan Hồ điệp phục vụ Tết Nguyên đán; Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, xã Minh Tân (Lương Tài) đầu tư xây dựng hơn 2ha nhà màng, nhà kính áp dụng công nghệ tưới tự động, sản xuất rau ăn lá, dưa các loại gắn với thương hiệu cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị lớn; HTX nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng, xã Đức Long (Quế Võ) với hơn 300 lồng chuyên nuôi cá thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, có gắn tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp cho thị trường và các nhà hàng, bếp ăn KCN. Một số doanh nghiệp sản xuất con giống (gà, lợn) thuộc tập đoàn Dabaco Việt Nam đã đưa chuyển đổi số vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị con giống, quản lý hoàn toàn bằng số hóa. Một số cơ sở, HTX, doanh nghiệp cũng đưa chuyển đổi số trong một khâu hay một công đoạn sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí đầu vào. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 11 nhãn hiệu nông nghiệp được bảo hộ sở hữu trí tuệ… Những con số biết nói đã khẳng định thành công bước đầu trong hành trình đến với nền nông nghiệp thông minh, tri thức của tỉnh nhà.
Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp truyền thống chịu ảnh hưởng nhiều từ điều kiện tự nhiên, gặp nhiều rủi ro, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường dẫn đến giá trị gia tăng thấp đang dần được thay thế bằng sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng CNC, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Tuy nhiên, đó là một hành trình dài còn nhiều khó khăn thử thách nên sẽ gập ghềnh khó đi, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm rất lớn để tiến tới nền nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh như khát vọng bao đời của người nông dân Việt Nam.

Kỳ 2: Chặng đường gập ghềnh khó đi

Kỳ 3: Hiện thực hóa khát vọng

Phóng sự của Nguyên Hoài Thương