Năm 2014, vợ chồng chị Nguyễn Thị Trâm, anh Nguyễn Đình Hải ở xã Minh Tân thành lập Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Hải Phong (Hải Phong Farm). Cùng với diện tích đất của gia đình, vợ chồng chị Trâm thuê 5 ha đất của người dân để đầu tư trang trại nông nghiệp công nghệ cao trồng rau, quả sạch các loại. Chị Trâm đã dành 1,3ha để xây dựng nhà màng trồng dưa baby, dưa lưới, ớt chuông, rau muống thủy canh theo hướng nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao; 0,7 ha nhà lưới chuyên trồng chanh leo hoàng kim, diện tích còn lại trồng các loại rau xanh theo mùa. Trao đổi với chúng tôi, chị Trâm cho biết: “Hải Phong Farm dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển từ xa bằng bộ điều khiển hệ thống máy chủ của trang trại. Với công nghệ này, quản lý trang trại sẽ cài đặt hẹn giờ để nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Trung bình, tưới nhỏ giọt 8 lần/ngày, tùy từng loại cây trồng mà mỗi lần tưới từ 3 – 4 phút. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc. Nhờ được chăm sóc theo quy trình khắt khe, chất lượng các sản phẩm rau, củ, quả của Hải Phong Farm đạt tiêu chuẩn để đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị. Năm 2022, Hải Phong Farm có doanh thu 18 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi xấp xỉ 2 tỷ đồng”.
Trang trại công nghệ cao của Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Hải Phong là minh chứng rõ nét nhất khẳng định chủ trương đúng đắn của huyện Lương Tài trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp góp phần đem lại giá trị và hiệu quả so với truyền thống. Vốn được quy hoạch là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của tỉnh với điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai rất phù hợp nên huyện Lương Tài xác định kinh tế nông nghiệp là mũi nhọn. Làm thế nào để thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang một nền nông nghiệp thông minh, tạo mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng là hướng đi tất yếu của huyện.
Sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà màng theo hướng công nghệ cao của trang trại Hải Phong đáp ứng tiêu chuẩn và được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Winmart.
Ông Phạm Xuân Sản, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Xác định rõ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Lương Tài ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, đề án về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần mang lại hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực và tạo được lòng tin của nhân dân. Từ định hướng chung của tỉnh, huyện tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM”. Nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản từng bước hình thành những vùng chuyên canh cây thực phẩm diện tích gần 200 ha. Trên địa bàn huyện có 5 tổ chức, cá nhân đang thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao, gồm: Mô hình trồng tía tô trong nhà kính (nhà màng) tại xã Lâm Thao diện tích xấp xỉ 10 ha; mô hình sản xuất rau, quả áp dụng theo quy trình công nghệ cao tại xã Minh Tân diện tích 5 ha; mô hình trồng cây ăn quả hữu cơ (bưởi, cam) áp dụng công nghệ tưới bép bù áp quanh gốc (tưới phun tự động) theo công nghệ Israel, diện tích 10,1 ha tại xã Mỹ Hương; mô hình trồng bưởi da xanh áp dụng hệ thống tưới phun tự động, diện tích 2,5 ha tại xã Quảng Phú… Những trang trại trù phú này khẳng định hướng đi đúng đắn của huyện, minh chứng cho sự tăng trưởng xanh hiện hữu trong tương lai không xa.
Khai thác lợi thế vùng trũng huyện chuyển đổi hơn 100 ha đất lúa sang trồng rau màu, chuyển gần 30 ha sang trồng cây ăn quả, gần 70 ha sang sản xuất mô hình lúa – cá, các mô hình chuyển đổi đều đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần cấy lúa. Lĩnh vực chăn nuôi, có 12 trang trại (7 chăn nuôi lợn và 5 chăn nuôi gia cầm) áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, nước uống tự động và xử lý chất thải bằng công nghệ biogas phủ bạt, chế phẩm sinh học. Tận dụng tiềm năng, lợi thế địa phương, nhiều hộ dân tại các xã ven sông đầu tư mô hình nuôi cá lồng trên sông Thái Bình với tổng số 750 lồng nuôi cá, trong đó 451 lồng theo quy trình VietGAP. Nhiều hộ nuôi cá trong áo đất cũng áp dụng quy trình nuôi VietGAP, công nghệ nuôi cá thâm canh, sử dụng thức ăn công nghiệp và chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi giúp nâng cao năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế.
Với chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách toàn diện, huyện phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 35 – 40% giá trị sản xuất nông nghiệp. Để đạt được các mục tiêu trên, nhiệm vụ trọng tâm được Lương Tài xác định: Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện, lợi thế từng địa phương; khuyến khích nông dân, các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các tổ chức, cá nhân có điều kiện pháp lý vay vốn đầu tư phát triển nông nghiệp. Tuyên truyền rộng rãi các chính sách của trung ương, của tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường hợp tác với các đơn vị, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.
Những kết quả, thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh chắc chắn sẽ tạo ra thế và lực để Lương Tài vững bước vào xuân mới 2023 với khí thế, quyết tâm, niềm tin và kỳ vọng một năm mới thuận hòa cho sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa huyện phát triển toàn diện, vững chắc hơn.