Những nông dân thế hệ mới

Từ thực hiện hiệu quả các phong trào do Hội Nông dân các cấp phát động, tại các địa phương trong tỉnh xuất hiện nhiều nông dân có tư duy đổi mới sáng tạo, đáp ứng xu thế tiêu dùng của thị trường. Đây được xem là hình mẫu người nông dân thế hệ mới trong xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Anh Bùi Xuân Quế, thôn Hương Triện (xã Nhân Thắng, Gia Bình) là một trong những nông dân như vậy. Xuất phát từ niềm đam mê với nông nghiệp và mong muốn sản xuất ra những nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng, nên sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội anh về quê lập nghiệp. Đến nay, sau 6 năm mạnh dạn đầu tư, kiên trì theo đuổi, anh Quế có được những thành công nhất định từ mô hình trồng dưa leo baby công nghệ cao, tạo hướng đi mới cho nông dân địa phương. Anh Quế cho biết: “Dưa leo là cây có giá trị kinh tế cao, thời gian canh tác từ trồng đến thu hoạch nhanh, thị trường tiêu thụ rộng, do vậy, tôi đã tìm hiểu sâu về kỹ thuật trồng cây. Tuy nhiên, đây là loại cây không ưa trồng liên tục trên một chất đất, không hợp với mưa, gió trực tiếp, nên tôi đã vay vốn đầu tư xây dựng 1.000 m2 hệ thống nhà màng. Việc xây dựng nhà màng giúp điều chỉnh nhiệt độ vườn dưa, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết và tránh côn trùng, sâu bệnh; các khâu bón phân, tưới nước đều được thực hiện thông qua hệ thống tự động, tiết kiệm nước và nhân công…”.

Mô hình trồng dưa leo baby của anh Bùi Xuân Quế (xã Nhân Thắng, Gia Bình).

Với cách thức tự học, làm thử và rút kinh nghiệm, anh Quế thành công ngay từ vụ dưa đầu tiên. Đến năm 2020, anh quyết định tăng diện tích nhà màng lên 5.000 m2, mở rộng sản xuất. Trong quá trình sản xuất, các quy trình trồng và chăm sóc được quản lý nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Vietgap, ưu tiên sử dụng phân bón từ chế phẩm sinh học… Nhờ vậy, sản phẩm dưa leo có chất lượng tốt, được bán tại cửa hàng thực phẩm sạch và dần có chỗ đứng rộng khắp trên thị trường. Tiếp đà phát triển, anh Quế cùng với 5 thành viên khác thành lập HTX Nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai, ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết cung ứng cho các đối tác, các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Đến nay, doanh thu bình quân của HTX Nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai đạt 1,5- 1,8 tỷ đồng/tháng; tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, vào thời vụ tăng thêm 4 – 5 lao động…
Cũng như anh Quế, anh Nguyễn Hồng Chiến ở khu phố Tiêu Long (phường Tương Giang, thành phố Từ Sơn) mạnh dạn xây dựng cơ sở dệt, may, bông vải sợi gia đình và bước đầu gặt hái thành công. Anh Chiến cho biết: “Khi mới bắt đầu sản xuất, gia đình chủ yếu dệt khăn mặt thủ công. Sau này, nắm bắt được nhu cầu thị trường, tôi quyết định đầu tư mua máy dệt khăn công nghiệp tự động, máy cắt và máy may công nghiệp để phát triển mở rộng quy mô. Đồng thời đi tìm mối hàng thu mua bông, vải, sợi và thuê 60 công nhân để trực tiếp cắt, may sản phẩm và cung ứng cho các cửa hàng, đại lý, siêu thị  trong nước. Quá trình sản xuất, tôi luôn học hỏi, sưu tầm các mẫu mã, chất liệu mới để cho ra những sản phẩm đẹp về mẫu mã, chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”. Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh có hơn 50 máy dệt, cắt may khăn mặt các loại theo hệ dây chuyền; tạo việc làm thường xuyên cho 60 công nhân với thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng…
Đến nay, Hội Nông dân tỉnh có 8 tổ chức Hội cấp huyện, 121 cơ sở Hội cấp xã, 672 chi Hội, gần 1.430 tổ Hội với tổng số gần 175.000 hội viên. Hội Nông dân các cấp tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân, hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, có tri thức; phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế cao và bền vững; xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh, tạo cơ hội phát triển bình đẳng, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của địa phương… Từ đó, tiếp tục triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, chỉ đạo các cấp Hội khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh để đưa ra lựa chọn phù hợp trong phát triển kinh tế, hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân, lấy phát triển kinh tế và thay đổi tư duy của nông dân làm động lực xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh.
Những năm qua, công tác Hội và các phong trào thi đua của Hội tại cơ sở được phát triển mạnh mẽ.  Nhất là từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phối hợp tổ chức gần 1.130 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho gần 106.900 lượt hội viên, nông dân; tạo điều kiện cho 1.750 hộ nông dân vay 117 tỷ đồng vốn quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp và hơn 22.580 lượt hộ vay gần 936,4 tỷ đồng vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ 9 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đăng ký 19 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Postmart; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho 13 nông sản; và 29 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao… Theo đó, nông dân mạnh dạn chuyển đổi tư duy sản xuất, nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao được duy trì và phát triển, xuất hiện nhiều hộ kinh doanh giỏi, thu nhập của nông dân tăng lên rõ rệt. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có gần 242.700 lượt hộ đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp (trung bình đạt 85,9% số hộ đăng ký). Trong đó, nhiều gương nông dân điển hình, tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh như anh Quế, anh Chiến… đã tạo ra những sản phẩm có giá trị, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Họ thật sự là niềm tự hào của mỗi địa phương và tổ chức Hội Nông dân.

Quang Minh