Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh minh họa |
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển đa dạng, doanh nghiệp nhà nước được tái cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu quả, kinh tế tập thể được quan tâm đổi mới và phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho ngành nông nghiệp đạt được kết quả tích cực.
Tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Việt Nam đã từng bước hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường. Thị trường các yếu tố đầu vào, trong đó quan trọng nhất là quyền sử dụng đất nông nghiệp, cũng được cải cách mạnh mẽ với những đổi mới chính sách theo hướng đơn giản, ổn định, công khai, minh bạch và công bằng. Thị trường hàng hoá, dịch vụ trong nông nghiệp đã phát triển vượt bậc với các phương thức giao dịch thị trường hiện đại ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử. Trong những năm gần đây, Việt Nam tích tực hội nhập sâu rộng với việc tham gia ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam thâm nhập vào các thị trường quốc tế.
Nhờ những quyết sách mạnh dạn trong đổi mới, sáng tạo mà sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 200 thị trường các nước/vùng lãnh thổ trên thế giới. Năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông sản ngày càng được cải thiện, chất lượng nông sản đang dần có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam không ngừng được cải thiện
Trong những năm qua, nông sản Việt Nam không ngừng được cải thiện về cả lượng và chất. Bên cạnh việc tăng trưởng về quy mô, chất lượng nông sản Việt Nam ngày một cải thiện, sản phẩm đa dạng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu của thị trường cả trong nước và quốc tế. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 53 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á và thứ 17 thế giới.
Hình 1. Vị trí giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam trên thế giới 2022
Nguồn: Trademap-ITC, Tổng cục Hải quan Việt Nam1 |
Chỉ tính trong 10 năm qua (2013 – 2022), mặc dù có nhiều bất ổn chính trị, ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt đạt bình quân 7,7%/năm với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 53 tỷ đô la Mỹ. Trong đó có 6 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ đô la Mỹ là gỗ và sản phẩm gỗ (12,11 tỷ), rau quả (5,32 tỷ), gạo (4,41 tỷ), cà phê (3,54 tỷ), tôm (3,38 tỷ) và hạt điều (3,31 tỷ).
Hình 2: Tăng trưởng giá trị xuất khẩu nông sản giai đoạn 2013-2022
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam |
Bên cạnh sự phát triển mạnh ở trong nước, thị trường xuất khẩu nông sản không ngừng mở rộng. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam năm 2022, đạt 13 tỷ đô la Mỹ, chiếm 24,3% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với giá trị xuất khẩu nông sản đạt 10,4 tỷ đô la Mỹ, chiếm 19,4%.
Nông sản của Việt Nam cũng đang dần tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới, nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam đứng đầu thế giới và có thứ hạng cao về giá trị như: Hạt tiêu, hạt điều, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn. Ở các thị trường truyền thống như Trung Quốc, ASEAN và một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, nông sản Việt Nam cũng có vị thế cao. Theo dữ liệu của Trademap-ITC, trong năm 2022, xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 6 tại thị trường Trung Quốc, chiếm 4,1% thị phần; thứ 9 tại thị trường Hoa Kỳ, chiếm 3,0% thị phần; thứ 27 tại thị trường Liên minh Châu Âu (EU), chiếm 0,8% thị phần; thứ 4 tại thị trường Hàn Quốc, chiếm 5,7% thị phần.
Năng lực cạnh tranh ngành nông nghiệp tăng nhanh nhờ từng bước chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị – tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp thông qua kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại nông sản. Công nghiệp chế biến nông sản đã có những bước tiến đáng kể, đến nay hệ thống công nghiệp chế biến có công suất thiết kế lên hơn 100 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, trong đó có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, 43.000 doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông sản.
Hình 4: Vị trí của các nông sản chủ lực Việt Nam trên thế giới năm 2022
Nguồn: Trademap-ITC, Tổng cục Hải quan Việt Nam |
Một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, lúa gạo, tôm, cá tra, trái cây2. Các chương trình nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cũng được ưu tiên phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ… góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhờ sự phát triển khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng nông sản không ngừng được cải thiện, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam, nhất là trên thị trường quốc tế. Năng suất cây trồng, vật nuôi, thủy sản liên tục tăng và nhiều ngành hàng đã đạt năng suất tiên tiến của khu vực hoặc thế giới3. Thành quả này là nhờ công tác nghiên cứu giống mới, kỹ thuật sáng chế mới và từng bước chuẩn hoá các khâu giống, quy trình canh tác, nuôi trồng, chuẩn hoá quy trình thu hoạch và sau thu hoạch4.
Tỷ trọng cơ giới hóa tăng nhanh, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 96%, lúa đạt 97%, nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng đồng bằng sông Hồng có mức độ cơ giới hóa cao, giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 15 – 20%… Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, quản trị, liên kết chuỗi giá trị… hướng đến các mô hình nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh.
Các dịch vụ hỗ trợ như hệ thống logistics phục vụ sản xuất, kinh doanh nông sản ngày càng cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, giảm đáng kể tổn thất sau thu hoạch, rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí trung gian… Các dịch vụ hỗ trợ kiểm định bắt đầu phát triển với các dịch vụ chiếu xạ, xông hơi khử trùng, xử lý hơi nước nóng, xử lý chiếu xạ, xử lý nhiệt nóng cũng đã được đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phục vụ xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao.
Một số tồn tại, hạn chế đang cản trở việc nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam
Thứ nhất, xuất khẩu nông sản hiện nay có tỷ lệ xuất thô còn cao, tỷ lệ nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, có thương hiệu còn chưa nhiều. Còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa tổ chức được vùng nguyên liệu sản xuất bài bản, chưa liên kết với người sản xuất nên phụ thuộc trung gian thu mua khiến chất lượng không đồng đều, còn tình trạng sản phẩm chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật (nấm mốc, tạp chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…).
Thứ hai, doanh nghiệp xuất khẩu chưa tiếp cận được kênh phân phối cuối cùng, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp còn thiếu thông tin về các nhà môi giới, các chuỗi siêu thị lớn và kênh bán hàng hiện đại tại thị trường nước ngoài nên khó khăn trong việc kết nối và đẩy mạnh xuất khẩu. Việc xây dựng, bảo vệ và khai thác thương hiệu cho hàng nông sản xuất khẩu chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài còn riêng lẻ, rời rạc.
Thứ ba, một số đầu vào cho sản xuất chưa chủ động còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Các nguyên liệu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, máy móc vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn. Điều này làm hạn chế tính chủ động của sản xuất trong nước và sản xuất nông nghiệp, phần nào chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới.
Thứ tư, tổ chức sản xuất trong nông nghiệp có nhiều chuyển biến nhưng chưa hình thành nhiều vùng chuyên canh đạt tiêu chí bền vững chuẩn quốc tế. Hộ sản xuất quy mô nhỏ còn chiếm tỷ lệ cao, tốc độ chuyển đổi chậm. Chuỗi liên kết trong nông nghiệp còn phát triển chậm, hiện chỉ có dưới 10% số hộ tham gia liên kết. Hợp tác xã nông nghiệp tuy phát triển số lượng tốt nhưng hiệu quả thấp, chưa phát huy tốt vai trò tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nguyên nhân chính là do còn nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ, trình độ, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là năng lực của người đứng đầu còn hạn chế. Doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ5, năng lực chế biến của nhiều doanh nghiệp còn lạc hậu, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao mới chỉ tập trung ở các doanh nghiệp lớn và có tiềm lực tài chính. Liên kết của các doanh nghiệp FDI tới khu vực trong nước chưa chặt chẽ, chưa tạo cú huých thực sự cho kết nối chuỗi toàn cầu. Hiệu ứng lan tỏa công nghệ của doanh nghiệp FDI trong ngành nông nghiệp còn yếu.
Thứ năm, năng lực dịch vụ logistics cho nông nghiệp còn chưa hiện đại, chi phí cao. Các dịch vụ đem lại giá trị gia tăng như kho bãi, chế biến, đóng gói, xử lý kiểm định thực vật còn thiếu và yếu dẫn đến hệ quả là tỷ lệ tổn thất trong nông nghiệp cao, chi phí logistics còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí6. Dịch vụ như sơ chế đóng gói tại vùng sản xuất tập trung chưa có hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Chuỗi cung ứng lạnh (kho lạnh và vận tải lạnh) cho hàng nông sản mặc dù được cải thiện nhưng vẫn thiếu và chất lượng vận hành chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hệ thống logistics phục vụ thương mại biên giới còn chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu thực tiễn. Nhìn tổng thể, chúng ta còn thiếu một hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp với đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ tốt cho sản xuất kinh doanh nông sản và các vệ tinh kết nối theo các cấp từ xã, huyện đến tỉnh, vùng.
Thứ sáu, các mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu… còn ở giai đoạn thí điểm, số lượng và quy mô còn hạn chế. Sự gắn kết và tham gia của các tác nhân trong các mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn còn yếu và chưa hình thành được hệ sinh thái khép kín xoay quanh một lĩnh vực, tạo thành một chuỗi giá trị đem lại giá trị gia tăng cao. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu vào sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững. Tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp7.
Bối cảnh mới cho ngành nông nghiệp
Nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi
Xu thế toàn cầu hiện nay đang hướng tới tiêu dùng “xanh” khi thu nhập cá nhân và ý thức của người tiêu dùng ngày càng tăng. Xu hướng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, có trách nhiệm xã hội được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu có những yêu cầu bắt buộc với hàng nhập khẩu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường như quy định các tiêu chuẩn phát thải, chất thải, khí thải, yêu cầu về các chứng chỉ Fair Trade, Rainforest, FSC, các cam kết về trách nhiệm xã hội…) Mới đây, đạo luật mới của EU về Quy định chống mất rừng (EUDR) có tác động trực tiếp tới các mặt hàng nông sản xuất khẩu như cà phê, ca cao, cao su, gỗ…
Cơ hội và thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế
Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với mức độ ngày càng sâu rộng, đem đến cả cơ hội và thách thức đan xen cho tất cả các quốc gia. Với 16 hiệp định thương mại tự do được ký kết và thực thi mở ra thị trường rộng lớn, song cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Xu hướng bảo hộ thương mại và cạnh tranh giữa các nước ngày càng gay gắt với xu hướng nâng cao hàng rào phi thuế quan đối với nông sản nhập khẩu. Một số nước lại thay đổi chiến lược cạnh tranh bằng mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng lực chế biến để nâng cao vị thế và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế8.
Biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, giảm phát thải trong nông nghiệp
Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng, thể hiện qua việc thu hẹp diện tích đất nông nghiệp do nước biển dâng, tăng nguy cơ thiệt hại do giảm lượng mưa, xâm nhập mặn, thay đổi nhiệt độ, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tăng nguy cơ dịch bệnh… Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên toàn thế giới đều điều chỉnh chiến lược tăng trưởng hướng tới nền kinh tế xanh, “kinh tế carbon thấp” với những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26, 27, 28). Trong nông nghiệp, xu hướng chuyển đổi sang các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải… ngày càng trở nên phổ biến.
Cơ hội và thách thức từ phát triển khoa học – công nghệ
Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học – công nghệ với ứng dụng nền tảng số đem lại nhiều cơ hội cho tăng trưởng ngành nông nghiệp như các hệ thống canh tác thông minh, phân phối hiện đại tích hợp với các nền tảng trực tuyến và kết nối người tiêu dùng với người sản xuất, tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững… Đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ cũng trở thành giải pháp đột phá, căn cốt, dẫn dắt quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp từ nâu sang xanh, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển bền vững.
Một số giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới
Một là, tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, hiệu quả, bền vững. Tổ chức tốt khâu sản xuất để chủ động nguồn cung, đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu trong nước với chi phí thấp. hình thành các vùng chuyên canh, chuẩn hóa quy trình sản xuất, chuẩn hóa giống, chuẩn hóa kiểm soát dịch bệnh, gắn mã số vùng trồng, vùng nuôi, truy suất nguồn gốc rõ ràng.
Hai là, tăng đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ nền tảng quan trọng góp phần hiện thực hoá Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao và thúc đẩy ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, bền vững, tiết kiệm tài nguyên, tái sử dụng phụ phẩm, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường là mục tiêu chiến lược của các chương trình khoa học và công nghệ các cấp từ Trung ương đến địa phương trong thời gian tới. Phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm đổi mới sáng tạo tại các vùng sản xuất trọng điểm trong cả nước nhằm tư vấn thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và các khâu trong toàn chuỗi giá trị nông sản.
Ba là, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã nông nghiệp củng cố, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, thu hút đầu tư, chia sẻ lợi ích – trách nhiệm giữa các bên liên kết, phù hợp với định hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, liên kết chuỗi giá trị, kết nối với doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã và nông dân, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, tạo nhiều việc làm và nâng cao đời sống của người lao động.
Bốn là, đàm phán mở cửa thị trường các mặt hàng nông sản chủ lực để tận dụng ưu đãi của các FTA, theo dõi chặt chẽ những biến động chính sách, quy định của các thị trường để có những ứng phó kịp thời và tổ chức phổ biến tới các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất để cùng hành động, giảm thiểu các tác động đến xuất khẩu nông sản. Tăng cường xúc tiến thương mại quốc tế, phát triển thương hiệu để quảng bá nông sản Việt Nam và nâng cao sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm là, trung phát triển các dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ logistics cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hóa nhằm giảm hao hụt thất thoát sau thu hoạch, giảm chi phí, gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Ưu tiên phát triển hệ thống dịch vụ logistics nông sản các cấp, gắn với vùng sản xuất nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và uy tín của nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Sáu là, tập trung nguồn lực phát triển nông thôn bền vững gắn với bảo tồn và phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn theo hướng “tích hợp đa giá trị” để đạt được mục tiêu “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Chú thích:
1. Mã HS sử dụng 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22 , 23, 31, 3808, 40, 44 , 46, 52, 940330, 940340, 940350, 940360, 940381, 940382
2. Một số công nghệ bảo quản trái cây tiên tiến như công nghệ CA, công nghệ MAP, công nghệ phủ màng, công nghệ xử lý chín bằng khí ethylene, công nghệ xử lý côn trùng bằng hơi nước bão hòa và một số chế phẩm hóa học và sinh học thân thiện ứng dụng trong xử lý nguyên liệu rau hoa quả tươi tiền bảo quản, được ứng dụng góp phần xuất khẩu tươi các sản phẩm vải, nhãn, thanh long, vú sữa, xoài, sầu riêng… sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc,…
3. Năng suất lúa trung bình đạt cao 60,6 tạ/ha, năng suất cà phê đạt 28,2 tạ/ha; năng suất cao su đạt 16,82 tạ/ha; năng suất ngô 50 tạ/ha; năng suất lạc 25,8 tạ ha, năng suất đậu tương là 16,1 tạ/ha. Lĩnh vực chăn nuôi sử dụng giống mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm sữa, thịt, trứng được nâng cao. Lĩnh vực lâm nghiệp, với 85% giống được kiểm soát trong trồng rừng kinh tế, tuyển chọn, tạo giống mới, nhân giống bằng công nghệ mô, hom, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng rừng, nhiều nơi đạt năng suất rừng trồng 35-40m3/ha/năm, năng suất bình quân rừng trồng kinh tế đạt 15 -20 m3/ha/năm. Lĩnh vực thủy sản nâng cao tỷ lệ sống của cá tra từ bột lên hương đạt 45,1% và từ hương lên giống đạt 95,16%.
4. Giai đoạn 2013-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 529 giống mới, 273 tiến bộ kỹ thuật, 185 sáng chế được công nhận, 224 tiêu chuẩn kỹ thuật và 440 quy trình kỹ thuật được ban hành.
5. Theo thống kê có 11.398 doanh nghiệp nông lâm thủy sản, chỉ chiếm ~1,4% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó có tới 47% dưới 5 lao động, 22,9% doanh nghiệp có từ 5-10 lao động.
6. Tỷ lệ tổn thất trung bình trong nông nghiệp hiện vẫn cao từ 25-30%, trong đó thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%. Chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, chiếm 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo.
7. Hiện mới tận dụng được 43% chất thải chăn nuôi; 33,2% chất thải chế biến thực vật… Trong tổng số 42,8 triệu tấn rơm lúa chỉ có 56,3% được sử dụng cho các mục đích làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây… Một lượng đáng kể rơm đốt ngay tại ruộng đã gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Các chuyên gia đánh giá, nếu khai thác tốt 158 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp hằng năm sẽ có 40 triệu tấn phân bón hữu cơ. Ngành chế biến phụ phẩm thủy sản cũng mới đạt khoảng 275 triệu đô la Mỹ năm 2020, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao, chế biến thành các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm thì có thể thu về 4-5 tỷ đô la Mỹ – một con số lớn hơn rất nhiều.
8. Indonesia, một số nước châu Phi đang triển khai thực hiện kế hoạch mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất để nâng cao sản lượng các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như cà phê, hạt điều… Trung Quốc mở rộng diện tích trồng các mặt hàng trái cây, cà phê, cao su, tăng cường thu mua gỗ nguyên liệu cũng tạo sức ép lớn đối với Việt Nam. Do lo ngại về rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, các nước EU đang tìm cách để tăng sản lượng nông nghiệp nhằm đảm bảo tự chủ về an ninh lương thực. EU cũng đồng thời tăng hỗ trợ cho nông dân để khuyến khích tăng sản lượng nông nghiệp.
LÊ MINH HOAN – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn