Livestream 3 tiếng, ‘Chợ phiên OCOP’ chốt hơn 600 đơn hàng

HÀ NỘI Sau 3 tiếng livestream trên kênh tiktok ‘Chợ phiên OCOP’, đã thu hút hơn 150 nghìn lượt tiếp cận, 14 nghìn lượt người xem trực tiếp, hơn 600 đơn hàng thành công.
Nhà sáng tạo nội dung giới thiệu các sản phẩm nông sản tại 'Chợ phiên livestream OCOP'. Ảnh: Phi Yến.

Nhà sáng tạo nội dung giới thiệu các sản phẩm nông sản tại “Chợ phiên livestream OCOP”. Ảnh: Phi Yến.

Ngày 4/10, trong khuôn khổ Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024 (diễn ra từ 3 – 6/10 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức chương trình Chợ phiên livestream OCOP với chủ đề “Nâng tầm nông sản Việt” nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề và các nông đặc sản trên nền tảng thương mại điện tử.

Chợ phiên livestream OCOP điểm nhấn tại Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024. Chợ phiên livestream đã giới thiệu gần 30 sản phẩm đặc trưng như: Trái cây sấy Nam Huy, bánh dừa nướng TOPCOCO, bánh hoa dừa COCOOL, xoài sấy dẻo POPE, bún tươi sấy khô Sa Đéc, nước mắm nhỉ cá linh Dì Mười…

Các sản phẩm trong chợ phiên livestream OCOP lần này rất đa dạng, phong phú, có nguồn gốc đảm bảo. Điều đó cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng, chú trọng tới thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP.

Thông qua hình thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội, các sản phẩm nông sản đã tiếp cận được nhiều hơn tới người tiêu dùng. Đây được xem là cuộc chuyển đổi hình thức bán hàng và xúc tiến thương mại nông sản khi nông dân vốn quen với hình thức bán hàng truyền thống, nay đã nhạy bén hơn, tiếp cận với các phương thức bán hàng mới.

Các sản phẩm nông đặc sản từ nhiều địa phương được giới thiệu trên livestream. Ảnh: Phi Yến.

Các sản phẩm nông đặc sản từ nhiều địa phương được giới thiệu trên livestream. Ảnh: Phi Yến.

Sau 3 tiếng livestream (từ 10 giờ đến 13 giờ) trên kênh tiktok “Chợ phiên OCOP”, các nhà sáng tạo nội dung đã thu hút hơn 150 nghìn lượt tiếp cận; 14 nghìn lượt người xem trực tiếp; 600 đơn hàng thành công. Đây là con số ấn tượng, cho thấy sự thành công của chương trình khi kết nối online với người tiêu dùng.

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, việc kết nối để đưa các sản phẩm làng nghề và nông đặc sản lên các sàn thương mại điện tử đã mở thêm nhiều cơ hội mới, là hướng đi hiệu quả giúp người kinh doanh và hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng khắp vùng miền.

Phi Yến