*Ưu thế lớn
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, cho biết: Những năm gần đây, đã có sự bứt phá trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam bất chấp những khó khăn chung hay những biến động khó lường của thị trường thế giới và những xáo trộn trong chuỗi cung ứng.
Với những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cùng ưu đãi từ 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đang thực hiện với nhiều đối tác trên thế giới, trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số và đạt 53,2 tỷ USD trong năm 2022; trong đó, có nhiều nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD như gỗ, thủy sản, cà phê, cao su, gạo, rau quả và điều.
Đặc biệt năm 2022, nhiều loại nông sản của nước ta như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng… được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây.
Năm 2023, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường đặc biệt là lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được dự báo vẫn sẽ vượt qua con số 50 tỷ USD. Hiện nay Việt Nam là nhà cung ứng lớn nhất thế giới về hạt điều, hạt tiêu, thứ 3 về gạo, cà phê,…
Trong số các sản phẩm nông sản, rau quả đang là điểm sáng trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷUSD.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thông tin thêm: Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông nghiệp với hàng chục sản phẩm có sản lượng lớn, có thể kể đến như gạo với sản lượng trên 43 triệu tấn/năm, cà phê gần 1,9 triệu tấn/năm; rau khoảng 16 triệu tấn, 10 triệu tấn trái cây các loại, hơn 243.000 tấn hạt tiêu, 210.000 tấn chè khô, 1,33 triệu tấn cao su và 9,2 triệu tấn thuỷ sản mỗi năm.
Không chỉ tập trung tăng sản lượng, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi cũng đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng cho nông sản. Tính đến năm 2022, số cơ sở trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương đã đạt 13.227 cơ sở, tăng hơn gấp đôi năm 2021; số cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản áp dụng VietGAP, VietGAHP và tương đương cũng tăng hơn 1,5 lần so với năm 2021.Nhờ đó, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng nông lâm thuỷ sản an toàn với số lượng ngày càng nhiều và có xu hướng tăng nhanh, từ 1.644 chuỗi (năm 2020) lên 2.510 chuỗi (năm 2022).
Bên cạnh sản xuất, nuôi trồng, hoạt động chế biến các loại nông sản, thực phẩm tại Việt Nam cũng được đầu tư phát triển. Cụ thể, tính đến năm 2022, cả nước có trên 21.500 cơ sở chế biến; trong đó có trên 860 doanh nghiệp chế biến thủy sản, 2.871 doanh nghiệp chế biến nông sản – thức ăn chăn nuôivà trên 3.800 doanh nghiệp chế biến lâm sản.
*Tăng khả năng thâm nhập thị trường
Mặc dù nông sản, thực phẩm Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia khắp thế giới, tuy nhiên, phần lớn sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao và có thương hiệu riêng tiếp cận được các chuỗi phân phối quy mô lớn.
Về nguyên nhân, ông Lê Thanh Hoà phân tích, việc xây dựng các chuỗi sản phảm nông sản, thực phẩm còn nhiều hạn chế như: Hệ thống thể chế chính sách, qui định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn chậm, chưa phù hợp với xu thế hội nhập. Mức độ tổn thất sau thu hoạch cao, thiếu ổn định về an toàn thực phẩm, chất lượng chưa điều chỉnh kịp thời theo nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng. Trên thực tế, tỷ trọng sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn, bền vững còn thấp.
Mặt khác, kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất nông nghiệp, hệ thống logistics theo chuỗi giá trị cung ứng nông sản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trongchuỗi cung ứng còn chậm. Trong khi đó, yêu cầu chất lượng của thị trường ngày càng cao, gắn với phát triển xanh, bền vững…
Theo ông Lê Thanh Hoà, để cải thiện khả năng thâm nhập vào các hệ thống phân phối quốc tế, ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp thực tiễn và hội nhập. Đầu tư nguồn lực và cơ chế huy động nguồn lực cho đào tạo quản lý, giám sát, hướng dẫn hỗ trợ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm ở các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và kết nối tiêu thụ trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật qui định, thông tin phân tích thị trường, thị hiếu tiêu dùng để phát triển sản phẩm phù hợp.Triển khai các đề án phát triển vùng nguyên liệu; hệ thống logistics theo chuỗi cung ứng nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản. Đồng thời, đổi mới hoạt động truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm theo chiến lược dài hạn.
Cùng quan điểm, ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) thông tin: Tại các nước phát triển, thị trường trái cây, rau quả tươi có quy mô rất lớn và đa dạng, với nhiều công ty nhập khẩu và phân phối trái cây từ khắp nơi trên thế giới nên mức độ cạnh tranh rất cao. Đồng nghĩa với việc các quốc gia xuất khẩu phải có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, trên hết là sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các chủ thể trong cả hệ thống cung ứng, từ việc xây dựng cơ chế, chính sách, công tác quản lý nhà nước, canh tác, trồng trọt, thu hoạch, chuyên chở, bảo quản, đóng gói, marketing,… nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn, tươi ngon, đặc biệt là tạo được lợi thế cạnh tranh về giá cả, thương hiệu.
“Bên cạnh công tác đàm phán mỏ cửa thị trường, đảm bảo chất lượng, các ngành hàng cần có chiến lược marketing, quảng bá sản phẩm đến thị trường xuất khẩu một cách đồng bộ, hiệu quả. Việc hợp tác với các nhà bán lẻ lớn (AEON, Safeway, Albersons, Winco,…) như Việt Nam đã làm được trong những năm vừa qua là một chiến lược quan trọng.
Các chuỗi cửa hàng và siêu thị tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU,.. đang ngày càng chú trọng vào việc cung cấp các loại trái cây tươi ngon và tự nhiên. Do đó, thiết lập mối quan hệ đối tác với các nhà bán lẻ này có thể mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam.”, ông Trần Minh Thắng nêu khuyến nghị.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Vincent Gothknecht, Trưởng đại diện I.Schroeder KG tại Việt Nam chia sẻ: I.Schroeder là một trong những nhà cung cấp thực phẩm đóng chai, đóng hộp và đông lạnh hàng đầu tại Châu Âu cũng như cung cấp cho các nhà bán lẻ thực phẩm, các công ty công nghiệp lớn nhất thế giới. Để có được nguồn sản phẩm phân phối rộng khắp, I.Schroeder đã thiết lập một mạng lưới các văn phòng chi nhánh nước ngoài để thu mua. I.Schroeder đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2016 và hiện đã kết nối được 50 nhà cung cấp với nhu cầu khối lượng cung ứng hàng hoá 1.200 container mỗi năm.
Theo ông Vincent Gothknecht, I.Schroeder đánh giá cao các lợi thế, tiềm năng phát triển của Việt Nam cả về năng lực cung ứng và môi trường kinh doanh. I.Schroeder KG tại Việt Nam đang có kế hoạch tìm nguồn cung ứng sản phẩm mới và mở rộng sang các thị trường lân cận.
Trong đó, ưu tiên các sản phẩm địa phương, đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững, truy xuất được nguồn gốc, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, thuỷ đạt chứng nhận nuôi trồng có trách nhiệm (ASC), hải sản có chứng nhận khai thác bền vững (MSC). Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đưa các loại nông sản, thuỷ sản, thực phẩm thế mạnh của mình tham gia vào chuỗi phân phối quy mô lớn một cách hiệu quả./.