Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả, xây dựng được thương hiệu và giá trị nông sản.
HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh (Mão Điền, Thuận Thành) gồm 10 thành viên nuôi các lồng theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2017 với số lượng 85 lồng cá. Các giống cá chủ yếu là các loài đặc sản như cá lăng chấm, chép giòn, diêu hồng… sản lượng 500-600 tấn/năm. Để đáp ứng quy chuẩn VietGAP, các thành viên được thực hiện quy trình nuôi trồng bài bản, mỗi lồng được cắm biển, ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại cám cho ăn… HTX có sổ theo dõi các lồng nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh để giám sát quy trình nuôi, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tại từng lồng nuôi cá, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi tiêu thụ.
Nhờ quy trình nuôi trồng sạch, quá trình sinh trưởng của cá được bảo đảm, ít xảy ra dịch bệnh, chất lượng sản phẩm tăng, giúp hiệu quả sản xuất của HTX Trường Mạnh được nâng lên. Quy trình sản xuất khoa học cũng giúp thành viên HTX giảm công lao động, bảo đảm sức khỏe. Cùng với việc đầu tư thêm máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất, HTX Trường Mạnh cũng xây dựng các kênh quảng bá trên mạng xã hội Facebook, Zalo để tiếp cận khách hàng tốt hơn, trở thành địa chỉ uy tín, tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2 Liên hiệp HTX, 667 HTX, trong đó có 553 HTX lĩnh vực nông nghiệp (289 dịch vụ nông nghiệp và 264 HTX chuyên ngành); 114 HTX phi nông nghiệp và 223 Tổ hợp tác. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng chuyển đổi số của các HTX còn hạn chế, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các HTX nông nghiệp. Hiện có khoảng 17% HTX ứng dụng công nghệ cao (sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh), tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, đán tem truy xuất nguồn gốc… Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa cao khiến các HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan trong hệ sinh thái.
Quá trình chuyển đổi số còn diễn ra chậm bởi quy mô đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ không cao. Số HTX sẵn sàng tiếp nhận chuyền giao công nghệ và ứng dụng, đổi mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ rất thấp, số còn lại chưa sẵn sàng do không đủ điều kiện về tài chính, đất đai nhà xưởng và năng lực vận hành. Khoảng 30% HTX sử dụng máy tính; 8% HTX ứng dụng các phần mềm vào hoạt động sản xuất kinh doanh (chủ yếu là phần mềm kế toán, gửi nhận thư điện tử và tham khảo thông tin về sản phẩm, thị trường), nhưng cũng chỉ có khoảng gần 30% HTX có máy tính kết nối internet. Tỷ lệ hộ thành viên sử dụng điện thoại thông minh cho mục đích sản xuất là tương đối thấp, đa số mới chỉ tập trung sử dụng điện thoại để quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội. Một rào cản nữa là đội ngũ cán bộ, quản lý HTX còn thiếu và yếu…
HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh (Mão Điền, Thuận Thành) thực hiện nuôi các lồng theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2017.
Ông Phạm Minh Hiền, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng: Để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp nâng cao năng lực chuyên đổi số để có cơ hội ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quá trình quản lý, sản xuất, kinh doanh cũng như tham gia liên kết chuỗi giá trị, các cơ quan hữu quan cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, bồi dưỡng kỹ năng cho bộ máy quản lý, điều hành HTX, người nông dân trong khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận, ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng lực điều hành, hoạt động cho các HTX; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị, nền tảng, dữ liệu, phần mềm quản lý sản xuất. Tư vấn, hỗ trợ vận hành, duy trì và nâng cấp trang tin điện tử (Website) về kinh tế tập thể; ưu tiên nguồn lực xây dựng mô hình cho HTX dùng chung dịch vụ. Cung cấp các dịch vụ công và thông tin (đào tạo từ xa), các phần mềm phục vụ quản lý, sản xuất kinh doanh được kết nối; hỗ trợ HTX tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế hợp tác…
Đồng thời xây dựng và vận hành trang tin điện tử có kết nối với các trang thông tin của các sở, ngành liên quan, sàn giao dịch điện tử giúp thông tin, quảng cáo, quảng bá và bán sản phẩm. Các HTX phát huy nguồn lực nội tại tham gia phát triển công nghệ số để nâng cao chất lượng sản phẩm của HTX; nâng cao tính minh bạch trong vấn đề quản lý thực phẩm bằng cách ứng dụng mã vạch và truy xuất nguồn gốc… góp phần nâng cao hiệu quả, xây dựng được thương hiệu và giá trị nông sản.