Theo ông Phạm Minh Hiền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, sau thời gian dài bị gián đoạn do dịch bệnh, năm 2023, các ngành, địa phương đẩy mạnh tổ chức hoạt động kết nối cung – cầu. Nhờ đó, nhiều HTX được tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội nghị, sự kiện chính trị, xã hội trong và ngoài tỉnh, thậm chí ra nước ngoài. Một số HTX có sản phẩm hàng hóa số lượng ổn định, chất lượng tốt, tem nhãn, mẫu mã bao bì đẹp, được chứng nhận OCOP như: Sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân; Bún gạo hữu cơ, bún khô của HTX đầu tư và phát triển Nông nghiệp Khương Huy; Rượu thượng hạng Kinh Bắc của HTX nông nghiệp sạch Việt Nam; Dưa lưới, dưa chuột baby của HTX nông nghiệp công nghệ cao Tâm Phúc; Đồ gỗ mỹ nghệ của HTX Hiệp Thắng… có nhiều lợi thế khi tiếp cận đa dạng khách hàng, tạo được các chuỗi liên kết riêng.
Phấn khởi khi liên tục xuất hiện tại các sự kiện như: Kết nối giao thương giữa Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; Hội nghị Thương mại điện tử kết nối cung – cầu; Khai trương tuyến phố đêm Tiền An,… anh Trần Đình Hùng, Giám đốc HTX dược liệu Việt Kết (Gia Bình) chia sẻ: “Là một HTX mới thành lập, chúng tôi rất chú trọng đầu tư thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Vinh dự được Liên minh HTX tỉnh giới thiệu tham dự các sự kiện, là cơ hội tốt để HTX chào bán, quảng bá sản phẩm, và là dịp để chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của những HTX thành công ở trong và ngoài tỉnh”.
Các gian hàng HTX tỉnh bạn được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm tại Bắc Ninh.
Bà Dương Thị Luyện, Giám đốc HTX măng Lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu, (huyện Tân Yên, Bắc Giang) vừa được mời tham gia 2 sự kiện kết nối giao thương tại Bắc Ninh cho biết: “HTX chúng tôi hiện có gần 100 ha trồng tre lục trúc, thu hoạch hơn 800 tấn măng tươi. Sản phẩm của HTX được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh; được công nhận OCOP 4 sao… Chúng tôi phấn khởi được mở rộng thị trường tại các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, từ đó kết nối để hình thành các vùng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mới”.
Thông qua các chương trình, nhiều HTX ký kết hợp đồng trực tiếp, thu hút các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Ngoài ra, các HTX còn được tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý, kiến thức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, ứng dụng thương mại điện tử… Ngoài các kênh bán hàng trực tiếp, sản phẩm của các HTX được quảng bá, giới thiệu trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Hiện nay, mức hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với HTX còn thấp, nhiều HTX hạn chế về tài chính nên rất khó tham dự đầy đủ các sự kiện. Ngoài ra, một số HTX chưa có kỹ năng bán hàng số, giao dịch thương mại điện tử để mở rộng phạm vi kết nối. Đa số các HTX chưa chú trọng xin cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu nên tính cạnh tranh sản phẩm chưa cao.
Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò hoạt động xúc tiến thương mại đối với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo sự chủ động và tích cực trong việc tham gia của các HTX. Thường xuyên khảo sát đánh giá quy mô, năng lực các HTX hoạt động để có thông tin làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho qua trình tư vấn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa cần kết nối, chất lượng, số lượng, thời điểm cung cấp; tăng cường quảng bá sản phẩm, hàng hóa của HTX, xây dựng các chương trình tuyên truyền có tính kết nối vùng; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin về đầu tư, sản xuất… Khuyến khích các HTX tập trung nâng cao năng lực quản trị, điều hành; đổi mới tư duy, phát triển các sản phẩm là thế mạnh của địa phương và tăng cường ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh từ kinh tế tập thể.