Thuận Thành khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ gắn với ứng dụng công nghệ cao.
Trên cơ sở Chương trình hành động Nghị quyết 26 cụ thể, Thị ủy, UBND thị xã Thuận Thành triển khai kịp thời, hiệu quả những chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện. Ngành nông nghiệp và các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ; Ban hành các đề án (Đề án thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; Đề án phát triển kinh tế trang trại…); triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; phát triển HTX nông nghiệp; liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP); bảo vệ môi trường; xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề… Nhờ đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được chuyển giao, ứng dụng nhanh vào sản xuất như công nghệ trồng hoa, cây cảnh trong nhà lưới, nhà màng khép kín, công nghệ tưới tự động (nhỏ giọt), công nghệ sử dụng màng phủ nông nghiệp…; nhiều giống cây ăn quả, hoa, cây cảnh mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu với biến đổi khí hậu.. được thử nghiệm thành công. Các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… thay đổi tư duy làm nông nghiệp và tập quán canh tác của nông dân.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT thị xã Thuận Thành, đến nay, cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp trên địa bàn có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi (trồng trọt 40,67%, chăn nuôi 54,1%, dịch vụ 5,23%). Sản xuất chuyển dần từ nhỏ lẻ, manh mún sang quy vùng tập trung, ứng dụng cơ giới, khoa học công nghệ vào sản xuất. Năng suất lúa tăng từ 57,66 tạ/ha (năm 2008) lên 64 tạ/ha (năm 2022), tăng 10,9%. Năm 2022, có 104 hộ gia đình, cá nhân tích tụ được 490,6 ha, quy mô từ 1 ha trở lên; khâu làm đất, thu hoạch trong sản xuất lúa được cơ giới hóa 100%. Ngoài ra, nhiều hộ dân còn tích cực chuyển đổi đất lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, đến nay toàn thị xã có 458,9 ha cây ăn quả, là một trong những địa phương có diện tích cây quả lớn nhất tỉnh
Về chăn nuôi, các hộ phát triển trang trại tập trung quy mô công nghiệp ngoài khu dân cư, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; theo chuỗi khép kín. Tỷ lệ đàn vật nuôi được nuôi ngoài khu dân đạt từ 70- 80% . Toàn thị xã hiện có 68 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT, trong đó có 21 trang trại trồng trọt, 37 trang trại chăn nuôi, 10 trang trại thuỷ sản. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2022 là 503,7 ha, giảm 103,3 ha so với năm 2008, tuy nhiên hình thành hơn 200 lồng cá trên sông cho năng suất, chất lượng cá cao vượt trội. Thị xã Thuận Thành có 17 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 đến 4 sao; đăng ký 14 sản phẩm đề nghị tỉnh đánh giá phân loại năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua đánh giá, phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn Thuận Thành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thấp; việc ứng dụng các công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất… chưa phổ biến. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp – nông thôn bước đầu được đổi mới nhưng chưa mạnh; kinh tế hộ còn nhỏ; kinh tế hợp tác chưa có chuyển biến rõ nét; quá trình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị chưa nhiều; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư; công nghiệp chế biến nông sản phát triển chậm nên giá trị của nông sản hàng hóa chưa cao…
Với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững phù hợp với quy hoạch và nhu cầu phát triển đô thị, thị xã Thuận Thành đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 3,5 – 4,0% trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp trên 2,5 lần so với năm 2020; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao toàn diện. Trên cơ sở đó, thị xã Thuận Thành tiếp tục triển khai Nghị quyết 26, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, chương trình OCOP… Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.