Hành trình đến với nền nông nghiệp giá trị cao

Với sức hút và lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Ninh thu hút một lượng lớn nguồn lực về tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ, tạo động lực cho phát triển ngành nông nghiệp chất lượng, hướng tới nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Trong đó, sản xuất rau, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao (CNC) là một trong những lĩnh vực được tỉnh quan tâm hàng đầu. Áp dụng khoa học công nghệ được xem là giải pháp quyết định để từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ven đô-nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu bức thiết về rau, quả an toàn cho tỉnh. 

 

Tăng chất lượng, giá trị nông sản

Là người tiên phong đưa giống dưa lưới Ichiba xanh của Nhật Bản về đồng đất Ngọc Tỉnh (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình) chị Nguyễn Thị Thơm chia sẻ: Từ vùng đất ven đê bỏ hoang được sự hỗ trợ của tỉnh, địa phương, gia đình đầu tư 6.000 m2 nhà màng sản xuất nông nghiệp giá trị cao. Với quy trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt từ đầu vào như nước tưới, giá thể, hạt giống, phân bón và các khâu kỹ thuật (tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP), dưa lưới Ichiba phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và các cây màu thông thường khác. Doanh thu của mô hình đạt hơn 2,1 tỷ đồng/năm. Tôi hy vọng sẽ có nhiều nông dân có cơ hội phát triển kinh tế gia đình từ trồng dưa lưới Ichiba tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nông nghiệp giá trị cao.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC như: sản xuất lá tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản quy mô 10 ha nhà lưới của Công ty TNHH May Hồ Gươm, xã Lâm Thao (Lương Tài); 2 ha nhà màng, nhà lưới của Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, xã Minh Tân (Lương Tài); sản xuất dưa chuột baby trong nhà màng có hệ thống điều khiển ẩm độ, nhiệt độ để cung cấp cho các siêu thị của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai, xã Nhân Thắng (Gia Bình); sản xuất dưa lưới trong nhà màng cung cấp cho các siêu thị, quy mô 0,7 ha của hộ ông Nguyễn Xuân Thám, xã Lãng Ngâm (Gia Bình); sản xuất nho hạ đen và một số loại cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, quy mô 0,5 ha của HTX Nông nghiệp sạch Bình Dương (Gia Bình); HTX rau sạch Cao Liêm Anh, xã Việt Đoàn (Tiên Du)… là những minh chứng cho việc áp dụng thành công các thành tựu khoa học công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn, làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng và giá trị kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước hình thành nông nghiệp hàng hóa, xứng đáng là “trụ đỡ” của nền kinh tế nói chung.
Từ sản xuất theo phương pháp truyền thống, tới nay diện tích sản xuất rau an toàn của Bắc Ninh đạt hơn 7.082 ha, với gần 130 HTX, doanh nghiệp, nông hộ tham gia sản xuất. 71 vùng rau màu chuyên canh quy mô từ 5 ha trở lên tập trung ở đất chuyên màu, đất bãi như: Vùng cà rốt tại Gia Bình, Lương Tài; vùng khoai tây Quế Võ, Yên Phong; vùng bí xanh, bí đỏ Gia Bình, Lương Tài; vùng rau xanh an toàn các loại tại Tiên Du, Thuận Thành, Yên Phong, thành phố Từ Sơn… đã thấy rõ sự thành công trong việc áp dụng công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội về thực phẩm an toàn và đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các vùng sản xuất hàng hoá đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so sản xuất truyền thống, với doanh thu từ 300 – 500 triệu đồng/ha. Quy trình canh tác tiên tiến như: ICM, GAP, VietGAP đã và đang được áp dụng ở nhiều địa phương, với 76 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 161,65 ha; 47 cơ sở sản xuất rau, quả hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính, tổng diện tích hơn 35 ha, cho thu nhập cao từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên đơn vị diện tích.
Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì việc áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào sản xuất là đòi hỏi bức thiết. Sản xuất rau, quả an toàn ứng dụng CNC là hướng đi đúng, giúp hạn chế sâu bệnh, côn trùng, địch hại gây bệnh, giảm sức lao động và tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm. Với hệ thống công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương có kiểm soát dinh dưỡng; hệ thống châm phân tự động bằng phần mềm thông qua thiết bị cảm biến, điều tiết nhiệt độ bằng hệ thống làm mát, trồng cây trên giá thể đã cung cấp đủ cho thị trường nội tỉnh các loại rau, củ, quả như dưa các loại (dưa chuột baby, dưa lê, dưa lưới..), cà chua bi, ớt chuông, rau thủy canh trong nhà màng… được thị trường ưa chuộng. Giá trị sản xuất trồng trọt ứng dụng CNC chiếm khoảng 25%-30% tổng giá trị sản xuất trồng trọt toàn tỉnh.

Xây dựng quy hoạch tổng thể, có tính ổn định lâu dài

Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và các ngành nghề nông thông trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định cụ thể về mức hỗ trợ sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao tập trung là đòn bẩy để hình thành một nền sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất rau, quả như hệ thống điện, giao thông, thủy lợi theo hướng hiện đại… để xây dựng quy hoạch tổng thể đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất rau, quả nói riêng. Một số địa phương quy hoạch và phát triển ổn định vùng sản xuất tập trung, có hiệu quả nên khuyến khích được nông dân đầu tư mở rộng sản xuất.

 

Tỉnh đẩy mạnh khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp bằng các hình thức góp vốn chia theo lợi nhuận, cổ phần… để tạo thành vùng hàng hóa tập trung đủ lớn phục vụ cho các chuỗi liên kết, xuất khẩu. Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp để tiếp nhận các công nghệ mới, đồng bộ ở các khâu, quy trình của chuỗi, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp: Tuyển chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ giới hóa, tự động hóa, các quy trình canh tác tiên tiến ICM, IPM, VietGAP… trong sản xuất, để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được giám sát chặt chẽ bằng hệ thống quản lý thông minh. Đối với sản xuất rau, quả an toàn trong nhà màng, nhà lưới, đẩy mạnh công nghệ châm phân tự động, tưới tự động kết hợp dinh dưỡng, công nghệ tự điều khiển nhiệt độ bằng hệ thống cảm biến, công nghệ canh tác không dùng đất (thủy canh, khí canh, trồng trên giá thể)… Vận dụng thành tựu của KHCN đẩy mạnh chuyển đổi số vào các khâu quản lý cũng như quá trình sản xuất, nhằm minh bạch thông tin sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng… dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng tập trung, quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến… được xúc tiến mạnh mẽ nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn có mức sống sánh ngang các đô thị văn minh, hiện đại để bắt kịp cùng hội nhập.
Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Công Trình: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, trọng tâm là sản xuất rau, quả an toàn, góp phần ổn định an ninh lương thực, hướng đến một nền nông nghiệp thông minh, tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Để đi đến một nền nông nghiệp phát triển với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, rất cần một quy hoạch tổng thể, có tính ổn định lâu dài nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp mới, công nghệ cao, bảo đảm người dân nông thôn có mức sống cao, có điều kiện sống xanh, sạch, đẹp ngang với các đô thị văn minh, góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Ánh Dương – Anh Linh