Gỡ khó khăn, thúc đẩy xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam 

Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đóng vai trò lớn trong gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các đơn vị chuyên môn đang tháo gỡ khó khăn, tham mưu xây dựng nghị định về quản lý và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam trình Chính phủ phê duyệt, nhằm xây dựng, quản lý thương hiệu nông sản và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế…

Sản phẩm nông nghiệp đáp ứng thị trường xuất khẩu

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (thuộc Bộ NN&PTNT), thời gian qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn, sản lượng lương thực thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần ổn định xã hội. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Nông nghiệp đều tăng. Hiện Việt Nam duy trì được 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản…

Tôm nước lợ được nuôi trồng nhiều tại ĐBSCL cần xây dựng thương hiệu, nhằm được bảo hộ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết: “Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng Việt Nam có đến 90% nông sản xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm nông sản có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Đồng thời 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam… Do đó, xây dựng thương hiệu cho nông sản có vai trò rất lớn trong việc gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.

Theo Bộ NN&PTNT, đối với lĩnh vực lúa gạo, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu Gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Những năm qua, Bộ NN&PTNT đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam/Vietnam Rice và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice. Trên Hệ thống Madrid, nhãn hiệu này đã được bảo hộ tại 21 quốc gia.

Kỹ sư Hồ Quang Cua “cha đẻ” của thương hiệu Gạo ST25, cho biết: Sau khi gạo ST25 đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019, công ty phải trải qua chặng đường gần 4 năm đối mặt với liên tục những sự cố liên quan đến việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nước cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. 6 tháng sau khi đoạt giải, tại Mỹ đã có doanh nghiệp đăng ký độc quyền từ khóa ST25, nếu không chặn, quốc gia này sẽ bảo hộ lan ra nhiều nước trên thế giới. Điều này đồng nghĩa, Gạo ST25 của Việt Nam khó có cơ hội xuất hiện trên thương trường gạo thế giới. Do đó, đơn vị phải trải qua khoảng thời gian dài kiên nhẫn làm việc với luật sư quốc tế, tháng 12-2023, Mỹ chính thức công nhận bảo hộ nhãn hiệu Gạo ST25 của ông Cua. Kỹ sư Hồ Quang Cua nhấn mạnh: “Từ thực tế này liên hệ đến vấn đề xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam, theo tôi cần lựa chọn những sản phẩm “tinh túy” của quốc gia để xây dựng có trọng tâm, trọng điểm. Có những tiêu chuẩn, quy chuẩn nghiêm ngặt, khắt khe để đảm bảo chất lượng sản phẩm…”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, các doanh nghiệp đã xây dựng được nhãn hiệu nông sản riêng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam trong nước và quốc tế. Tuy nhiên qua thời gian theo dõi, việc xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều vướng mắc và cần sự chung tay của các doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội ngành hàng để xây dựng một chiến lược tổng thể quốc gia về nhãn hiệu và thương hiệu quốc gia…

Tháo gỡ khó khăn

Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam có vai trò lớn trong việc gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình nhằm tạo chính sách để phát triển thương hiệu nông sản, như Chương trình sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020-2030… Ngay tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định phát triển 3 cấp độ thương hiệu, gồm: thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực quốc gia; thương hiệu nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm OCOP với nhóm nông sản quy mô nhỏ… Các chương trình trên nhằm mục tiêu bảo hộ nông sản Việt Nam, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

TP Cần Thơ cũng đã ban hành Kế hoạch số 68 ngày 28-3-2022 về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Cần Thơ giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu chung nhằm xác định giá trị, đặc điểm sản phẩm nông sản Cần Thơ. Thực hiện kế hoạch này, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cho nghiên cứu chọn tạo giống nông nghiệp; nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương; tạo các chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm các loại hàng hóa nông sản. Song song đó tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho tập thể và cá nhân. Ngoài ra còn triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ các giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL; xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2022-2025; xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình quản trị tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn TP Cần Thơ… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại trong việc xây dựng thương hiệu nông sản của TP Cần Thơ cần phải tháo gỡ.

Mới đây, tại Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu: “Để tạo cơ sở pháp lý quản lý việc xây dựng thương hiệu quốc gia, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường tham mưu, xây dựng các văn bản để Bộ đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định liên quan đến quản lý và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Việc xây dựng Nghị định phải theo chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản, phân định rõ cơ chế quản lý của các cơ quan, địa phương, ban ngành. Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ thí điểm xây dựng nhãn hiệu quốc gia cho sản phẩm gạo, lồng ghép thêm gạo giảm phát thải. Tiến tới mở rộng trên mặt hàng chủ lực khác như sầu riêng, tôm, cá tra…”.

Bài, ảnh: VĂN THỨC