Đưa nông sản vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi

Phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện để nông sản có mặt ngày càng nhiều ở thị trường trong và ngoài nước đang được nhiều địa phương quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, việc đưa nông sản vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn là “bài toán” không dễ đối với người nông dân, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan.

Tỉnh Bắc Ninh có 28 trung tâm thương mại, siêu thị và hơn 130 cửa hàng Winmart+, cửa hàng tiện ích đang hoạt động ổn định. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại nông sản của địa phương có cơ hội vào các kệ siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Hiện đã có hàng chục nông sản, thực phẩm của các cơ sở sản xuất trong tỉnh  được phân phối vào đây như rau, củ, quả; các loại bánh, thực phẩm đã qua chế biến; thịt tươi sống các loại… Điển hình như HTX nông nghiệp tổng hợp Quang Minh ở xã Cảnh Hưng (Tiên Du) chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả, có 7 thành viên, canh tác trên diện tích hơn 10 ha. Trung bình mỗi ngày HTX sản xuất và thu mua khoảng 100kg măng tây xanh cung ứng cho các siêu thị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Để được như vậy, HTX phải thay đổi phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap; dán tem truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng, quảng bá thương hiệu để sản phẩm có mặt trên thị trường thông qua kênh bán lẻ hiện đại. Bà Trần Thị Trang, Giám đốc HTX cho biết: “Để các sản phẩm có mặt trong hệ thống siêu thị, yếu tố quan trọng hàng đầu là chất lượng sản phẩm luôn phải được bảo đảm, số lượng ổn định và cần phải quan tâm tới đầu tư thương hiệu, hình ảnh, mẫu mã sản phẩm…”.
Cùng với sự thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân, các doanh nghiệp, siêu thị thu mua cũng tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất có cơ hội hợp tác, tiêu thụ nông sản địa phương. Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Siêu thị Dabaco thành phố Từ Sơn  cho biết: “Hơn 90% nông sản tại siêu thị là hàng Việt. Những năm qua, siêu thị luôn ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với các cơ sở sản xuất, HTX nông nghiệp của tỉnh nhằm tạo cơ hội, phát triển cho các cơ sở sản xuất; quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường cho nông sản tỉnh vươn xa hơn. Hiện nay, siêu thị đã ký kết hợp đồng với một số cơ sở sản xuất, HTX trong tỉnh nhập các loại sản phẩm khác nhau cung ứng theo nhu cầu thị trường. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục lựa chọn, ký kết hợp đồng đối với một số sản phẩm mới đủ tiêu chuẩn để kệ hàng nông sản được đa dạng hơn”.

 

Một số nông sản của tỉnh được bày bán tại hệ thống siêu thị Dabaco.

Việc đưa nông sản vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi song song với kênh bán hàng truyền thống góp phần khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX tích cực mở rộng diện tích, chú trọng chất lượng sản phẩm nâng tầm vị thế nông sản. Tuy nhiên, việc làm này không dễ dàng bởi người dân chủ yếu sản xuất manh mún nên năng lực cung ứng còn hạn chế; thói quen mua sắm của người tiêu dùng vẫn ưu tiên các chợ truyền thống với tâm lý hàng hóa trong siêu thị thường đắt hơn ngoài chợ… Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, HTX nông sản còn hạn chế trong việc đáp ứng các yêu cầu về giấy tờ như: Đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm định, hồ sơ công bố chất lượng các quy chuẩn và ít chú trọng đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, mẫu mã sản phẩm…
Để khắc phục những hạn chế này, cùng với sự nỗ lực của nông dân cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp,  nhất là ngành Nông nghiệp, Công Thương và các nhà khoa học, các doanh nghiệp để đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi; hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục đáp ứng những điều kiện cần thiết của các đơn vị hợp tác tiêu thụ sản phẩm… Có như vậy nông sản mới vào được siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Ông Lưu Bảo Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Với vai trò là cầu nối giữa đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi trực tiếp làm việc với các hộ kinh doanh, HTX, cơ sở sản xuất cung ứng nông sản về các điều kiện mà đơn vị phân phối đưa ra; tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo để tạo sự kết nối giữa các siêu thị và đơn vị sản xuất, tạo tiếng nói chung, tiến tới hợp tác lâu dài, bền vững; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ cơ sở sản xuất xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế mẫu mã, bao bì, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa hàng hoá vào tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại, góp phần ổn định giá cả thị trường, tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh”.

Quang Minh