Đến nay, công ty của chị Thơm có 4 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuần nông, với khát vọng khởi nghiệp làm giàu trên chính quê hương, chị Nguyễn Thị Thơm (sinh năm 1981, ở khu phố Lũng Khê, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) đã tìm cho mình hướng đi riêng. Chị Thơm cho biết: Năm 1999 chị cùng chồng mở cơ sở sản xuất tương ớt tại nhà. Ban đầu, cơ sở sản xuất tương ớt của chị cung cấp cho các quán ăn và cửa hàng tạp hóa ở khu vực Bắc Ninh, sau đó mở rộng đến các tỉnh, thành phố lân cận.
Qua quá trình tìm hiểu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, năm 2018 gia đình chị Thơm quyết định thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm Thơm Thực chuyên sản xuất các sản phẩm gia vị, thực phẩm mang thương hiệu Chimax với hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất theo dây chuyền khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Để sản phẩm của cơ sở sản xuất vào được thị trường và được khách hàng đón nhận, chị Thơm cho biết, tất cả các khâu đều được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nguyên liệu đầu vào có địa chỉ cung cấp uy tín và hoàn toàn từ thiên nhiên, khâu bảo quản, chế biến phải chấp hành nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, với phương châm chữ “Tín” phải đặt lên hàng đầu.
Theo chị Nguyễn Thị Thơm cho biết, đến nay, công ty sản xuất được gần 80 mã sản phẩm gia vị thực phẩm các loại, được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phân phối ở trên 30 tỉnh thành từ miền Trung trở ra. Các sản phẩm của công ty tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh năm 2022 đạt 4 sao bao gồm: Tương ớt, dấm gạo nếp, lẩu Thái và giả cầy.
“Việc tham gia chương trình OCOP và đặc biệt xếp hạng 4 sao cho các sản phẩm giúp doanh nghiệp ngày càng khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để đơn vị tiếp tục thực hiện mục tiêu vươn xa hơn đó là phấn đấu có thêm từ 5 – 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP và 5 sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài”- chị Thơm nói.
Khi được hỏi về doanh thu của công ty, chị Thơm cho biết, năm 2022 doanh thu của công ty đạt trên 30 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động trực tiếp có mức lương trung bình khoảng 9 triệu đồng/tháng, ngoài ra có 50 lao động thị trường. Mục tiêu của công ty là tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường cả nước.
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt 102 sản phẩm của 40 chủ thể tham gia chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2023. Ngoài ra, nhằm phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch để thu hút du khách, Bắc Ninh đang triển khai đề án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, bước đầu, tỉnh xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng tại làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), làng tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành) và làng quan họ cổ Viêm Xá (còn gọi là làng Diềm, phường Hòa Long, TP.Bắc Ninh).
Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương
Ông Nguyễn Huy Dân – Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khương cho biết: Hiện nay trên địa bàn phường Thanh Khương có nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả làm kinh tế như: Vận tải, may mặc, cơ khí, làm mộc, làm tương ớt, kinh doanh tạp hóa, kinh doanh sơn, kinh doanh đồ gỗ, kinh doanh hoa quả…
Chị Nguyễn Thị Thơm là một hội viên nông dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu, sản phẩm gia vị – thực phẩm của công ty Thơm Thực đã khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng đón nhận, trong số đó đã có những sản phẩm được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận là sản phẩm OCOP.
Vừa qua, chị Thơm vinh dự được cử là đại biểu nông dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu tham dự tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân thị xã Thuận Thành và Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2023-2028. Thời gian tới, Hội Nông dân phường Thanh Khương sẽ tích cực phối hợp với các cấp, các ngành để tuyên truyền sâu rộng đến hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa và hiệu quả của chương trình OCOP do tỉnh Bắc Ninh triển khai.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sau hơn 4 năm, chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, ngành và các chủ thể, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm; từng bước góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể tham gia chương trình.
Chương trình đã tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, được thị trường đón nhận, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đặc biệt, việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở Bắc Ninh được thực hiện hiệu quả, nhất là khâu bán hàng.
Để tạo sức lan tỏa của chương trình OCOP, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới hội viên nông dân, HTX, doanh nghiệp hiểu về lợi lích của việc tham gia chương trình OCOP, nhất là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh đối với các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh sẽ tích cực tham mưu để tỉnh có những chính sách đặc thù đối với các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của từng địa phương, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới bền vững.