Đăng ký nhãn hiệu – “Giấy khai sinh” cho nông sản

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có một số sản phẩm nông sản được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, không phải tổ chức, cá nhân nào cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Việc phát huy giá trị sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận cũng là điều cần phải quan tâm. Xoay quanh nội dung này, Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Tài – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng “Đăng ký nhãn hiệu giống như tấm giấy khai sinh cho nông sản”. Theo ông, việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, nhất là đối với nông sản Đồng Tháp có tầm quan trọng như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Tài: Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân với nhau được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, việc cho rằng “Đăng ký nhãn hiệu giống như tấm giấy khai sinh cho nông sản” là một so sánh rất hay và phù hợp. Có thể hiểu giấy chứng nhận nhãn hiệu là một cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu đối với các dấu hiệu được thể hiện bằng tên gọi, hình ảnh cụ thể (cho một hoặc nhiều nhóm sản phẩm, hàng hóa) được bảo hộ bởi pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Sở hữu trí tuệ.

Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhất là đối với nông sản Đồng Tháp có tầm quan trọng chiến lược trong kế hoạch xây dựng phát triển thương hiệu các ngành hàng nông sản chủ lực, đặc thù của tỉnh. Bởi các lý do sau đây: thứ nhất, là cơ sở để quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng trong quan hệ với khách hàng và doanh nghiệp; thứ hai, hạn chế một cách tối đa các thiệt hại do việc khai thác, sử dụng nhãn hiệu bất hợp pháp từ các chủ thể khác; thứ ba, giá trị của một nhãn hiệu có thể quyết định sự thành công của một sản phẩm trên thị trường.

Phóng viên: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có những loại nông sản nào được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý? Các địa phương cần làm gì để bảo hộ sản phẩm?

Ông Nguyễn Thành Tài: Tính đến ngày 31/5/2023, tỉnh Đồng Tháp đã xác lập thành công 31 nhãn hiệu (27 nhãn hiệu chứng nhận, 04 nhãn hiệu tập thể) và 01 chỉ dẫn địa lý. Trong đó, xác lập thành công chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài, đây là chỉ dẫn địa lý nông sản đầu tiên của tỉnh với những hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan đến địa danh, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các sản phẩm này gắn với danh tiếng, chất lượng của cộng đồng địa phương. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang thực hiện Dự án “Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen, dự kiến nghiệm thu trong năm 2023. Ngoài ra còn có một số nông sản đặc thù địa phương đã được bảo hộ như: Sen Tháp Mười, Quýt Hồng Lai Vung, Chanh Cao Lãnh, Khô Phú Thọ, Nhãn Châu Thành, Ớt Thanh Bình, Ổi Lê Cao Lãnh v.v.. Qua đó, nhãn hiệu cũng đã góp phần xây dựng hình ảnh Đất Sen hồng – vùng đất với nhiều đặc sản nổi tiếng.

Để bảo hộ nông sản bằng hình thức nhãn hiệu (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể), trước tiên, các địa phương cần đánh giá: (1) Tiêu chí về quy hoạch sản xuất và phát triển, (2) Tiêu chí về tính đặc thù, (3) Tiêu chí về năng lực sản xuất và nhu cầu sử dụng nhãn hiệu, (4) Tiêu chí về tổ chức quản lý và phát triển thương mại nhằm đảm bảo các tiêu chí này phù hợp với các quy định tại Quyết định số 1518/QĐ-UBND-HC ngày 06/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tiêu chí đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho nông sản đặc thù tỉnh Đồng Tháp. Đây là cơ sở quan trọng để Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận cho các địa phương tiến hành đăng ký bảo hộ.

Sau khi đánh giá việc đảm bảo phù hợp các tiêu chí, các địa phương có văn bản đề nghị về Sở Khoa học và Công nghệ để Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép sử dụng tên địa danh và phê duyệt bản đồ vùng sản xuất (đối với nhãn hiệu chứng nhận). Bước tiếp theo là hoàn chỉnh các hồ sở, thủ tục cần thiết theo quy định và tiến hành nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành thuộc Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tư vấn, hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện các bước quy trình để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục cần thiết.

Phóng viên: Được biết, huyện Cao Lãnh là địa phương có nhiều nông sản được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ông đánh giá như thế nào về việc phát huy giá trị sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu của huyện Cao Lãnh nói riêng và các địa phương khác nói chung?

Ông Nguyễn Thành Tài: Ngày 16/5/2023, huyện Cao Lãnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Ổi Lê Cao Lãnh”. Đây là một trong số 07 nhãn hiệu chứng nhận cho nông sản mà huyện Cao Lãnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ (Tôm Càng Xanh Nhị Mỹ, Gạo Sạch Cao Lãnh, Cá Điêu Hồng Bình Thạnh, Chanh Cao Lãnh, Xoài Cao Lãnh, Xoài Cát Chu Cao Lãnh). Riêng nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cao Lãnh” và “Xoài Cát Chu Cao Lãnh” đã chuyển giao quyền sở hữu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Ông Nguyễn Thành Tài trao chứng nhận Ổi Lê Cao Lãnh
cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh

Tiếp nối việc tổ chức đăng ký bảo hộ thành công các nhãn hiệu chứng nhận, huyện Cao Lãnh đã rất quan tâm trong việc thực hiện công tác quản lý và phát triển các nhãn hiệu, đặc biệt là việc huyện Cao Lãnh đã đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, nhằm phát triển các nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ. Cụ thể, đề xuất quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chanh Cao Lãnh; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh.

Nhìn chung, công tác đăng ký xác lập quyền, quản lý và phát triển các nhãn hiệu nông sản chủ lực đặc thù của tỉnh đã đạt được các kết quả bước đầu, đặc biệt là trong công tác đăng ký xác lập quyền vì đa phần các nông sản chủ lực, đặc thù của tỉnh đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, ở huyện Cao Lãnh nói riêng và các địa phương khác nói chung, công tác quản lý và phát triển các nhãn hiệu chỉ thật sự hiệu quả ở một số ít nhãn hiệu, đặc biệt ở góc độ giá trị kinh tế như: Xoài Cao Lãnh, Xoài Cát Chu Cao Lãnh, Sen Tháp Mười, Nem Lai Vung v.v.. Những nhãn hiệu còn lại chỉ dừng lại ở việc bảo hộ, công tác quản lý và phát triển các nhãn hiệu còn gặp nhiền hạn chế.

Phóng viên: Xin ông cho biết, sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ đối với các địa phương trong việc xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, phát huy giá trị sản phẩm được cấp nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý?

Ông Nguyễn Thành Tài: Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ tại địa phương, thời gian qua Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động và đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, phát huy giá trị sản phẩm được cấp nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân nhân tỉnh ban hành các quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý đảm bảo cho việc triển khai tạo lập quản lý và phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được hiểu quả như: Quyết định số 1518/QĐ-UBND-HC ngày 06/10/2021 quy định tiêu chí đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho nông sản đặc thù tỉnh Đồng Tháp; Quyết định số 1163/QĐ-UBND-HC ngày 25/10/2022 ban hành Quy chế phối hợp tạo lập, quản lý và phát triển các chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất, đặt hàng đến Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia phục vụ quản lý và phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 02 nhiệm vụ: Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho sản phẩm xoài Cao Lãnh; Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu” (đang triển khai).

Sở cũng tiếp nhận các đề xuất và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh phục vụ việc quản lý và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ, bao gồm: Nhiệm vụ Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Khô Phú Thọ; Nhiệm vụ Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chanh Cao Lãnh.

Bên cạnh đó, Sở đã xây dựng kế hoạch và làm việc với các địa phương, chủ sở hữu về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho nông sản chủ lực, đặc thù của các địa phương. Qua đó nắm tình hình, trao đổi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của các chủ sở hữu trong công tác quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các nông sản chủ lực; hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, xây dựng, phát triển nhãn hiệu. Gần đây nhất, Sở đã hỗ trợ các địa phương đăng ký các nhãn hiệu chứng nhận “Củ Ấu Long Hưng”, “Ổi Lê Cao Lãnh”, thực hiện hỗ trợ các địa phương “quản lý và phát triển các nhãn hiệu” như: “Khô Phú Thọ”, “Chanh Cao Lãnh”.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Ánh thực hiện