Lãnh đạo Liên minh HTX trao đổi về giải pháp công nghệ cao được ứng dụng tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Tâm An.
Nằm giữa cánh đồng thôn Huề Đông (Đại Lai, Gia Bình), 9 khu nhà màng với tổng diện tích 9.000m2 của HTX nông nghiệp công nghệ cao Tâm An trở thành điểm nhấn nổi bật. Anh Nguyễn Xuân Khiêm, Giám đốc HTX khẳng định: Khi xây dựng nhà màng, chúng tôi thực hiện đúng quy cách về hạ tầng để sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế cao như dưa chuột baby, dưa lưới, ớt chuông. Điểm mấu chốt là lắp đặt hệ thống điều khiển tự động về phun tưới cho cây với giá thành không quá cao chỉ vài triệu đồng/ bộ. Hàng ngày, chúng tôi sử dụng bảng đồng hồ tại mỗi nhà màng để điều khiển nước, phân lân pha theo tỷ lệ cố định, rồi tưới vào từng gốc cây theo dạng nhỏ giọt, bảo đảm đủ 1-1,2 lít/ cây/ ngày. Nhờ đó, việc cung cấp dinh dưỡng cho cây có độ chính xác cao, đồng đều, giúp cây sinh trưởng tốt. Khi điều khiển tự động, tiết kiệm được nhân công, chủ động thời gian nhờ chế độ hẹn giờ sẵn có. HTX chú trọng vào quy trình sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật và tập huấn cho lao động các công đoạn gieo trồng, chăm sóc cây. Dù mất chi phí đầu tư ban đầu, nhưng chỉ có ứng dụng công nghệ hiện đại, mới có thể gia tăng sản lượng, chất lượng, giảm phụ thuộc vào nhân công lao động và kiểm soát tốt các yếu tố rủi ro trong sản xuất nông nghiệp”.
Được biết, nhờ sản xuất hiện đại theo hướng hữu cơ an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên mặc dù mới ra thị trường từ giữa năm 2022, sản phẩm của HTX được đón nhận rộng rãi. Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các bếp ăn khắp tỉnh, thành miền Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh… đặt hàng mà HTX chưa đáp ứng đủ. Qua các vụ sản xuất đầu tiên, sản lượng của mỗi khu vực nhà màng diện tích 1.000m2 đều đạt kế hoạch, hiện cho doanh thu 200 triệu đồng/ vụ.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 120 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quản trị điều hành, sản xuất. Trong đó, có 40 HTX trồng trọt, 38 HTX chăn nuôi và 20 HTX thủy sản, 18 HTX nông nghiệp tổng hợp. Trong lĩnh vực trồng trọt, các HTX tích cực ứng dụng cơ giới hóa, sử dụng phân hữu cơ thay phân bón hóa học, trồng cây trong nhà màng, tưới nước nhỏ giọt tự động; trong lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động, các tiến bộ kỹ thuật trong lai tạo giống vật nuôi; trong lĩnh vực thủy sản, một số HTX nuôi cá lồng trên sông áp dụng tiêu chuẩn VietGap…
Kết quả việc ứng dụng công nghệ cao giúp các HTX gia tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải phóng sức lao động, tham gia vào các chuỗi liên kết, tiêu thụ. Điển hình như HTX Nông nghiệp tổng hợp Đông Bình (Gia Bình); HTX chăn nuôi Thỏ Việt Nhật, HTX nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng (Quế Võ); HTX nuôi trồng thủy sản Trường Mạnh, HTX Quang Tiến (Thuận Thành),…
Theo ông Phạm Minh Hiền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Thực hiện Kế hoạch số 611 năm 2021 của UBND tỉnh về chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030, Liên minh HTX tỉnh tích cực triển khai các chương trình đồng hành cùng HTX như tư vấn thành lập HTX; hỗ trợ, tiếp cận chính sách, nguồn lực đầu tư; chuyển giao công nghệ, sản xuất theo hướng hiện đại, nhằm gia tăng hàm lượng chất xám trong từng công đoạn, giảm giá thành đầu vào, tăng giá trị đầu ra. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu; nhiều HTX chưa tích tụ được đất đai để sản xuất quy mô lớn. Hầu hết các HTX đều thiếu vốn đầu tư ban đầu trong khi tài sản để thế chấp khi vay vốn hầu như không có. Chẳng hạn, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tâm An đầu tư hơn 4 tỷ đồng cho việc thuê đất, cải tạo diện tích và xây dựng hạ tầng sản xuất nhưng chủ yếu huy động vốn tự có của các thành viên. HTX đang thực sự “khát” vốn để tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng, đầu tư xây dựng thương hiệu, gắn với tem truy xuất nguồn gốc…
Nắm bắt nguyện vọng của các HTX, Liên minh HTX tỉnh đang tập trung tham mưu UBND tỉnh tăng vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX lên 50 tỷ đồng nhằm tạo ra kênh dẫn vốn ưu đãi cho các HTX đầu tư trang thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ, liên kết sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm an toàn… Tích cực tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ các HTX tiếp cận công nghệ chọn tạo, nhân giống cây trồng, điều khiển canh tác; công nghệ chế biến nông sản, phát triển vật liệu mới áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi… Hình thành nên nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng xu thế tất yếu là nâng cao chất lượng nông sản, thích ứng với thời kỳ 4.0.