Để thúc đẩy nâng cao giá trị trên thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, nên có nghị định để đủ cơ sở pháp lý quản lý thương hiệu…
>> Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt – Cần bắt đầu từ đâu?
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng nông sản đạt 5,18 tỷ USD. Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 54 tỷ USD. Hiện, nông sản Việt Nam có 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ)…
Đánh giá việc xây dựng thương hiệu có vai trò quan trọng để nông sản Việt vươn ra thế giới, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình nhằm tạo chính sách để phát triển thương hiệu nông sản như: Chương trình sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 – 2030; Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định phát triển 3 cấp độ thương hiệu gồm: thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực quốc gia; Thương hiệu nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm OCOP với nhóm nông sản quy mô nhỏ.
Mặc dù đã có nhiều chính sách được ban hành để phát triển thương hiệu nông sản, tuy nhiên, vấn đề này tại Việt Nam vẫn còn gặp một số hạn chế, bất cập. Các số liệu đến nay vẫn rất “mờ nhạt”.
Thực tế cho thấy, đến nay có đến 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô; 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng. Bên cạnh đó, mới có 2/13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm: nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và gạo Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu). Các sản phẩm như cà phê, tôm, cá tra… đang trong quá trình xây dựng.
>> Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản “giữ” sự phục hồi bền vững
Về xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương, đến nay mới có 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Tính đến giữa năm 2023, có 626 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận địa phương; gần 1.900 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng ,việc xây dựng thương hiệu nông sản và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với nhiều nông sản chủ lực đang gặp vướng mắc về mặt pháp lý và kinh phí. Hơn nữa vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản được đề cập nhiều nhưng vẫn chung chung, chưa cụ thể. Các sản phẩm nằm rải rác ở các quyết định, chương trình; chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan…
Do đó, để giải quyết những bất cập đã nêu, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, đặc biệt, cần xây dựng một chính sách riêng về quản lý thương hiệu nông sản.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho rằng để xây dựng thương hiệu nông sản Việt mang lại hiệu quả, cần chú ý 4 nội dung: Một là, rà soát lại thế mạnh nông sản của từng địa phương; Hai là, xây dựng khung hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm mang tính chất thương hiệu quốc gia; Ba là, chú ý hệ sinh thái và phát triển thương hiệu và cuối cùng là cơ chế quản lý.
Ngoài ra, xây dựng thương hiệu nông sản Việt dựa trên thế mạnh nông sản của từng địa phương đang là một trong những xu thế được đánh giá mang lại hiệu quả bền vững.
“Khi có thương hiệu dựa trên thế mạnh địa phương, có hệ thống tiêu chuẩn gắn với chỉ dẫn địa lý sẽ dần dần kéo theo du lịch nông nghiệp nông thôn phát triển”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.
Còn theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay các doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm đã được bảo hộ, có nhãn hiệu, thương hiệu.
“Tuy nhiên, cần phải có cơ chế pháp lý để điều chỉnh hợp lý chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Nhận định, phải có thương hiệu để bảo vệ giá trị của sản phẩm nông sản Việt Nam và nên có nghị định để đủ cơ sở pháp lý để quản lý thương hiệu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Viện chính sách và Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường cùng với Vụ Pháp chế cùng thảo luận đề xuất với Chính phủ xây dựng nghị định về quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản Việt Nam.
“Nhãn hiệu phát triển đến một lúc nào đó sẽ trở thành thương hiệu. Vì thế, khi xây dựng nghị định phải theo chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản (từ giống, gieo sạ đến sản phẩm) và thông qua đơn vị quốc gia quản lý về chất lượng sản phẩm trước khi đăng ký quốc tế. Như vậy, sẽ phân định rõ được cơ chế quản lý của các cơ quan, địa phương, các ngành”, Thứ trưởng nhấn mạnh.