CÁC ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH TẠI QUẾ VÕ

Quế Võ ngày nay là nơi phát triển hài hòa giữa công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp và điểm đến du lịch hấp dẫn bởi vẻ đẹp tự nhiên, bề dày lịch sử và văn hóa của vùng Kinh Bắc.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đất và người Quế Võ giàu truyền thống cách mạng, là cội nguồn sản sinh ra nhiều thế hệ người con đoàn kết, cần cù trong lao động, đóng góp cho đất nước 61 vị Đại khoa, hàng chục Thượng thư, nhiều Trạng nguyên, Sứ thần nổi tiếng và một “Làng Tiến sĩ” Kim Đôi, kiên cường chống giặc ngoại xâm… viết nên những trang sử vẻ vang của quê hương.

Nền kinh tế dịch chuyển nhanh và mạnh nhưng Quế Võ vẫn luôn trân quý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, lễ hội và phong tục tập quán truyền thống. Đến nay, Quế Võ đang bảo lưu được 201 di tích văn hóa vật thể, 01 di sản văn hóa phi vật thể (nghề gốm Phù Lãng), 01 bảo vật Quốc gia (tượng Quan Thế âm, chùa Cung Kiệm – Thượng Phúc Tự, phường Nhân Hòa). Trong số các di tích lịch sử văn hóa vật thể, có 09 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 36 di tích xếp hạng cấp Tỉnh. Đây là những di sản có giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật ghi đậm dấu ấn của mảnh đất Quế Võ giàu truyền thống văn hiến và lịch sử lâu đời.

  1. Di tích Quốc gia Đền thờ Nguyễn Cao

Đền thờ Nguyễn Cao (Trác Phong linh từ) nằm ở thôn Cách Bi, xã Cách Bi, thị xã Quế Võ. Đền được khởi dựng từ thời Nguyễn với quy mô nhỏ và đầu tư xây mới vào tháng 12/2020 để tưởng nhớ, tôn vinh người con ưu tú của Quế Võ và hiện thực hóa khát vọng về một trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo dục đào tạo về lịch sử, truyền thống yêu nước tiêu biểu của địa phương.

 

Đền là nơi tôn thờ tưởng niệm danh nhân Nguyễn Cao – nhà khoa bảng, nhà yêu nước trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX. Ông tên thật là Nguyễn Thế Cao, còn gọi là “Quan Tán Cách Bi”, sinh năm Đinh Dậu (1837) tại làng Cách Bi. Từ nhỏ, ông đã chăm chỉ học hành, đậu giải nguyên khoa năm Đinh Mão (1867). Sau khi thi đỗ, ông không ra làm quan ngay mà xin về quê mở trường dạy học, đào tạo nhân tài cho quê hương đất nước.

  1. Chùa Diên Quang

Ai về Quế Võ Bắc Ninh

Thăm ngôi chùa nhỏ đậm tình quê hương

Diên Quang – Làng Guộc thân thương

Linh Hồn dân tộc, mái trường tu âm.

Chùa Diên Quang (chùa Guột) nằm tại thôn Guột, xã Việt Hùng, thị xã Quế Võ. Xuất hiện từ thời nhà Lý, cổ tự Diên Quang đã chứng kiến những năm tháng thăng trầm của đất nước, trở thành một trong những nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng nổi tiếng và linh thiêng nhất của vùng đất Kinh Bắc.

Chùa Diên Quang được xây dựng với kiến trúc truyền thống trong không gian gần gũi với thiên nhiên, là nơi con người có thể cảm nhận được sự bình yên và ngập tràn niềm tin. Các cột trụ chạm khắc tinh xảo, mái chùa cong vút tạo nên một không gian linh thiêng. Chùa thường tổ chức các nghi lễ tâm linh hàng năm, là nơi để các quý phật tử tham gia vào các hoạt động cũng như tìm hiểu sâu về văn hóa tâm linh đặc trưng của địa phương.

 

  1. Chùa Linh Quang

Chùa Linh Quang ngụ tại thôn Vệ Xá, xã Đức Long, thị xã Quế Võ mang đậm chất văn hóa và tâm linh. Tại đây, du khách có thể tránh xa sự ồn ào của cuộc sống hàng ngày để tìm đến sự an bình trong không gian tĩnh lặng và thiêng liêng.

Chùa thường xuyên tổ chức các khóa tu cho các phật tử muốn rèn luyện tâm hồn và hiểu rõ hơn về triết lý sống của đạo Phật. Qua những buổi tu tâm, các quý phật tử có thể học được cách tập trung ý thức, kiểm soát tâm trạng và tìm kiếm sự an lạc từ bên trong. Khóa tu thường kết hợp giữa các buổi thiền định và lễ nghi tôn giáo.

  1. Chùa Đại Lãm

Chùa Đại Lãm (Chùa Dạm), ngụ tại xã Nam Sơn, thị xã Quế Võ, đựợc vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086 và kéo dài trong 9 năm trên sườn núi Đại Lãm (núi Dạm).

Chùa Đại Lãm là một trong những ngôi chùa cổ kính và linh thiêng tại tỉnh Bắc Ninh, ghi dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử của Vương triều nhà Lý. Chùa còn có nhiều tên gọi khác như: chùa Cảnh Long Đồng Khánh tự, chùa Tấm Cám. Gọi là chùa Tấm Cám vì chùa được khởi dựng để làm nơi tu hành của Nguyên phi Ỷ Lan, cũng là nơi khởi nguồn truyện cổ tích Tấm Cám. Trên núi Dạm hiện còn một cái giếng có tên gọi là Bống, đặc biệt với yếu tố văn hóa Chăm (biểu tượng Linga) là cột Đại trụ rồng đá – một công trình lưu truyền cho hậu thế giá trị nghệ thuật điêu khắc đặc sắc thời Lý – một nền điêu khắc đặc sắc bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.

Chùa Đại Lãm là một minh chứng cho sự phát triển của Phật giáo ở Việt Nam cũng như tinh thần yêu nước và tôn kính Phật pháp của nhà Lý.

 

  1. Tượng Quan Thế âm chùa Cung Kiệm

Tượng Quan Thế Âm tại chùa Cung Kiệm nằm tại phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, được công nhận là “Bảo vật Quốc gia” theo Quyết định số 41/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là pho tượng được khắc niên đại sớm nhất Việt Nam (năm 1449), đồng thời là pho tượng Quan thế âm thời Lê Sơ duy nhất. Bên cạnh ý nghĩa về mặt niên đại lịch sử, pho tượng còn có ý nghĩa về lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử tạo tượng Việt Nam.

Chùa Cung Kiệm (Thượng Phúc tự) là ngôi chùa từ lâu đời, được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1996. Ngôi chùa hiện bảo lưu pho tượng Quan thế âm bằng đá được tạo tác năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thái Hòa thứ 7 (1449). Dựa trên hình tượng nghệ thuật, kinh điển và truyền thuyết về Quan thế âm lưu truyền ở Việt Nam, pho tượng thể hiện ứng thân của Nam Hải Quan Âm (thường được biết đến với tên gọi Quan âm Diệu Thiện). Pho tượng gồm hai phần: Thân tượng và bệ tượng với chiều cao tổng thể là 88,7 cm. Trên cả 2 phần pho tượng đều khắc minh văn, có tất cả 67 chữ cung cấp thông tin về niên đại tạo tác và địa chỉ, tên các tín chủ công đức.

Tổng thể tượng Quan âm chùa Cung Kiệm

Chùa Cung Kiệm – Thượng Phúc tự

  1. Nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai

Bắc Ninh là vùng đất có truyền thống hiếu học, khoa bảng tiêu biểu của Việt Nam. Những cống hiến của các vị đỗ đại khoa Bắc Ninh đã được lịch sử ghi nhận và hậu thế tôn vinh, phụng thờ, tiêu biểu là 04 vị đại khoa họ Mai: Tiến sỹ Hoàng Giáp Mai Bang đăng khoa năm Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511) đời Vua Lê Tương Dực; Tiến sĩ Mai Khuyến đăng khoa năm Ất Mùi, niên hiệu Đại Chính 6 (1535) đời Mặc Đăng Doanh; Tiến sĩ Mai Công đăng khoa năm Quý Sửu, niên hiệu Cảnh Lịch 6 (1553) đời Mạc Phúc Nguyên; Tiến sỹ Hoàng Giáp Mai Trọng Hoà đỗ Hoàng giáp khoa ở tuổi 50, năm Kỷ Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ 2 (1659) đời Lê Thần Tông.

Nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai được xây dựng tại thôn Cổng, xã Đào Viên, thị xã Quế Võ, được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa năm 2003. Đây là công trình văn hóa, trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của dòng họ và nhân dân địa phương, nơi bảo tồn và phát huy những thuần phong mỹ tục của quê hương, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và hiếu học khoa bảng của dòng họ với các thế hệ con cháu, nơi gắn kết tình cảm gia tộc, làng xã.

 

  1. Nghè Hà Liễu

Nghè Hà Liễu nằm ở phía Tây thôn Hà Liễu, xã Phương Liễu, thị xã Quế Võ được khởi dựng vào thời Lê. Đây là nơi tôn thờ Thành hoàng, là ba vị thần trong “Ngũ Vị Lôi Công”: Đệ nhất Nguyễn Lôi Công, Đệ nhị Nguyễn Lôi Công và Đệ tam Nguyễn Lôi Công – Các vị thần có công phù giúp tướng quân Nguyễn Công Cự đánh thắng giặc Chiêm Thành ở thời Lý (thế kỷ XI). Nghè Hà Liễu được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2004.

  1. Đình Mộ Đạo

Đình Mộ Đạo thuộc làng Mộ Đạo, xã Mộ Đạo, thị xã Quế Võ, thờ Thành hoàng làng là “Bình Thiên Hiển Đức Đại vương” – Phó tướng thời Hùng Vương lần thứ 18. Đình vốn được khởi dựng từ thời Lê, đến triều Nguyễn được tôn tạo lại. Đây là công trình văn hóa, tín ngưỡng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2020.

 

  1. Nghề Gốm Phù Lãng

Nghề gốm Phù Lãng là một Di sản văn hóa phi vật thể, được hình thành và phát triển từ thời Trần, đầu thế kỷ XIV với những sản phẩm gốm men nâu cùng những sắc độ khác như: men da lươn, men vàng nhạt, men vàng thẫm, men vàng nâu…

Các sản phẩm gốm Phù Lãng vô cùng tinh xảo, mang một sắc thái riêng độc đáo, đậm chất dân gian và tâm hồn người Việt, để lại dấu ấn khắp nơi và trở thành một trong những làng nghề cổ xưa nhất Việt Nam.

Khách du lịch đến thăm Phù Lãng bị cuốn hút bởi hình ảnh những sản phẩm gốm nhiều chủng loại, hình dạng, kích thước và màu sắc được xếp dọc theo đường làng, ngõ xóm. Sản phẩm gốm Phù Lãng đa dạng, từ đồ gốm tín ngưỡng (lư hương, đỉnh, đài thờ…), đồ gốm gia dụng (chum, bình vôi, lọ, vại…), đồ gốm trang trí (ấm hình thú, bình gốm…) đến những sản phẩm khác trang trí nội – ngoại thất, cổng nhà… Cảnh quan của làng là những ngôi nhà gạch trần, mái ngói nhấp nhô dọc 2 bên các con đường quanh co, lắt léo đâu đâu cũng là gốm. Những bức tường rào được xếp từ những chiếc vại, chiếc bình bị nung hỏng, rêu xanh phủ đầy, chen với cỏ mọc tạo thành một vẻ đẹp mộc mạc và độc đáo không phải nơi nào cũng có được.

Làng gốm nằm bên cạnh dòng sông Cầu thơ mộng với những chuyến đò xuôi ngược, những cánh đồng đa sắc màu… là hình ảnh hiếm của làng quê Bắc Bộ xưa còn sót lại. Phù Lãng mang đến cho du khách nhiều cảm giác khác lạ, đó là: sự gần gũi và thân quen, sự hoài niệm và thơ mộng mà xã hội đô thị hóa và công nghiệp hóa không còn lưu giữ được. Đã từ lâu, Phù Lãng là một điểm đến du lịch văn hoá làng nghề cho du khách trong nước và quốc tế – một loại hình có sức hấp dẫn, tính bền vững và bảo tồn được các giá trị nhân văn.

  1. Vườn hoa Thanh Bình

Vườn hoa Thanh Bình thuộc xã Mộ Đạo, thị xã Quế Võ nằm bên dòng sông Đuống thơ mộng. Sắc hoa nơi đây ngập tràn quanh năm (hoa cúc, hoa hồng, hoa cánh bướm…), được chăm sóc và bày trí tỉ mỉ tôn lên vẻ đẹp riêng biệt của từng loài.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa, thưởng thức cà phê ngoài trời và thả mình trong một không gian yên tĩnh hòa quyện với thiên nhiên tươi đẹp tại vườn hoa Thanh Bình là một điểm check-in hấp dẫn cho du khách và người dân địa phương.

 

  1. 11. Đầm sen xã Việt Hùng

Hoa sen là biểu tượng của vẻ đẹp thuần khiết, nhẹ nhàng và truyền thống, “Quốc hoa” tượng trưng cho bản sắc của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, cứ mỗi độ Hè về khi mùa sen nở, nhiều người nhất là giới trẻ lại nô nức về các đầm sen tại xã Việt Hùng để lưu giữ cho mình nét thanh xuân, bẽn lẽn, e ấp bên nhánh sen hồng.

Từ đầu tháng 6 hàng năm, mặt đầm sen mênh mông bát ngát được bao phủ bởi màu xanh xen lẫn trắng và hồng, những nụ sen e ấp chúm chím ẩn mình sau những chiếc lá. Hoa đến thì hoa nở, cả không gian đầm sen tỏa hương thơm tươi mát và dễ chịu. Những đóa sen hồng, sen trắng chen chúc tranh nhau khoe sắc dưới nắng mai. Sen hồng tựa như thiếu nữ đôi mươi e thẹn và ửng hồng đôi má, sen trắng biểu lộ vẻ đẹp giản dị và thanh khiết. Những nụ sen tròn, xinh xắn và chắc chắn bên cạnh những đóa sen đã nở bung cố khoe nhị vàng bắt mắt. Màu sen không rực rỡ nhưng thanh tao, mộc mạc giống như bản chất của người con gái Việt Nam chân chất.

Tại Đầm sen xã Việt Hùng, du khách sẽ được sử dụng thêm dịch vụ: trang điểm, trang phục (váy, áo dài, áo yếm) và chụp ảnh (tại chỗ, các điểm check in trên thuyền, trên cầu gỗ) để lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

  1. Cây gạo di sản chùa Sùng Nghiêm

Đến Quế Võ vào tháng 3 hàng năm, đừng bỏ lỡ cơ hội check in “Cây gạo di sản chùa Sùng Nghiêm”, khi cây gạo trổ hoa tại thị trấn Quế Võ. Những bông hoa gạo 5 cánh đều nhau, nhuộm đỏ cả một góc trời gây thương nhớ, to bằng lòng bàn tay tô điểm thêm cho những khu công nghiệp hiện đại nhưng vẫn yên bình và luôn lưu giữ lại những giá trị gốc xưa kia.

Cây gạo chùa Sùng Nghiêm không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn là nguồn cảm hứng cho những người tìm kiếm sự thanh tịnh và lòng tin.

 

  1.  Bãi đê sông Đuống

Bãi đê bên sông Đuống tại xã Đào Viên, thị xã Quế Võ như một bức tranh hoang sơ gợi lại tuổi thơ, là điểm đến lý tưởng cho những chuyến cắm trại, đắm mình trong không gian tĩnh lặng cùng với tiếng sóng sông lướt nhẹ như bước chân của người con gái, mùi của cỏ và của hoa, trời cao và mây trắng bồng bềnh. Vào buổi tối, cảnh vật nơi đây trở nên rực rỡ bởi bầu trời đầy sao như tăng thêm phép màu và sự lãng mạng cho những câu truyện lửa trại kỷ niệm khó quên.

Bãi đê sông Đuống cũng là nơi lý tưởng để tận hưởng các hoạt động dã ngoại, như: câu cá, dạo bộ dọc bờ sông, thư giãn và tận hưởng sự an yên của thiên nhiên ban tặng, giao thoa với niềm vui và hạnh phúc.