Bắc Ninh: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái

Ngày 10/5/2024, tại tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh tổ chức Tọa đàm khuyến nông với chủ đề “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái”.
 

Tham gia Tọa đàm có đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố; một số chuyên gia cùng các hợp tác xã, chủ trang trại và bà con nông dân trong tỉnh Bắc Ninh.

Theo Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh hiện nay, Bắc Ninh có diện tích tự nhiên khoảng 82.271,1 ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 46.085,9 ha chiếm khoảng 56%. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nên việc phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và bền vững là hướng đi mới trong thời gian tới. Định hướng phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới sẽ mở ra cơ hội cho các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập đồng thời góp phần giữ gìn cảnh quan làng quê, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương Kinh Bắc.

Bên cạnh bất lợi về diện tích canh tác nông nghiệp hạn chế thì Bắc Ninh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái cộng đồng tại nông thôn nói riêng. Cùng với sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, các di tích, lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh như: Đền Đô, chùa Dâu, chùa Phật Tích, lăng Kinh Dương Vương…, hàng trăm lễ hội truyền thống tại các làng quê với những nét văn hoá đa dạng, rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống: Tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái… Phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề đã và đang là nguồn tài nguyên, động lực mới của ngành công nghiệp không khói này.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, hơn 30 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, 50 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà lưới. Toàn tỉnh hiện có 167 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao. Đó là một trong những lợi thế tạo điều kiện cho Bắc Ninh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch cộng đồng nông thôn.

Thời gian qua, khuyến nông Bắc Ninh đã lồng ghép để tuyên truyền cho các hợp tác xã, các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp từ đó hình thành các vùng, trang trại có thể kết hợp thăm quan, du lịch; xây dựng nhiều mô hình trình diễn hiệu quả nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm như: Mô hình trồng hoa tại xã Bồng Lai, huyện Quế Võ; mô hình trông sen nghệ hạt vàng trên đất kém hiệu quả tại xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng mô hình sản xuất nho đen siêu ngọt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tại HTX nông nghiệp sạch Bình Dương, xã Bình Dương, huyện Gia Bình…

Tại buổi tọa đàm, bà con nông dân đã đặt ra các câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: Quy trình để làm du lịch sinh thái hiệu quả? Chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh Bắc Ninh trong việc phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái? Chính sách tích tụ đất đai trong phát triển du lịch sinh thái tại tỉnh Bắc Ninh? Các câu hỏi đã được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh và các chuyên gia giải đáp cặn kẽ cho bà con tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh cho rằng, để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, đào tạo nâng cao trình độ cho các chủ thể kinh doanh, chủ trang trại, khu du lịch sinh thái, cộng đồng nông nghiệp, nông thôn thông qua các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập…; nắm bắt tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch nông nghiệp; quảng bá, xúc tiến cho các khu du lịch sinh thái nông nghiệp đặc trưng văn hóa, sinh thái địa phương trên nền tảng số, mạng xã hội, phương tiện truyền thông…

TT Y Lý Hwing

Nguồn:Trung tâm Khuyến nông Quốc gia