Ma trận hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tình hình buôn lậu hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn cả nước hiện nay vẫn diễn biến phức tạp. Các nhóm mặt hàng trọng điểm bị vi phạm là các loại hàng hoá có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như: thuốc lá, rượu, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, tân dược, đông dược; các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng giả các nhãn hiệu nổi tiếng…
Đội phó Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Vũ Hoài Linh nêu khó khăn của cơ quan hải quan trong đấu tranh phòng chống hàng xâm phạm quyền SHTT. Ảnh: Đỗ Doãn |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về phòng chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT vừa được Tạp chí Hải quan tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ông Vũ Hoài Linh – Đội phó Đội 4 cho biết, phương thức thủ đoạn chủ yếu các đối tượng sử dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT là lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm với nhau, khai báo trị giá thấp để trốn thuế…
Đối tượng trọng điểm mà các cơ quan chức năng theo dõi là các doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) theo loại hình kinh doanh, gia công sản xuất xuất khẩu; DN hoạt động XNK theo các loại hình tạm nhập – tái xuất, quá cảnh, kinh doanh các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; các DN đã bị xử lý về hành vi khai báo sai tên hàng, xuất xứ, nhập khẩu hàng hóa không khai báo; các tổ chức, cá nhân thường xuyên nhập khẩu theo loại hình phi mậu dịch các loại hàng hóa trọng điểm qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh, hàng nhập khẩu kinh doanh qua các cửa khẩu đường bộ, cảng biển… |
Đối với hàng hóa quá cảnh, các đối tượng lợi dụng khai báo theo thủ tục đơn giản để không khai nhãn hiệu hàng hóa nhằm che giấu hành vi vận chuyển quá cảnh hàng giả mạo nhãn hiệu. Đối với hàng gửi kho ngoại quan, các đối tượng đưa hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vào kho ngoại quan, sau đó tìm cách xuất sang nước thứ 3 không loại trừ việc thẩm lậu từ kho ngoại quan vào nội địa tiêu thụ trái phép.
‘‘Đáng chú ý, ngoài các phương thức vận chuyển truyền thống, các đối tượng còn lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nói chung trong đó có hàng giả, hàng vi phạm SHTT, đặc biệt là lợi dụng loại hình chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế…’’ – ông Linh nhấn mạnh.
Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trưng bày bên lề buổi tọa đàm. Ảnh: Đỗ Doãn |
Tăng hiệu quả phòng chống hàng lậu trong lĩnh vực hải quan
Ông Linh cho biết thêm, hàng năm ngành Hải quan đều ban hành các kế hoạch đấu tranh cụ thể và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng công tác đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật này trong lĩnh vực hải quan còn những khó khăn, vướng mắc.
Đó là các vướng mắc, bất cập quy định của pháp luật đối với việc xử lý hàng hoá xâm phạm quyền SHTT quá cảnh, xuất khẩu, cả Luật Hải quan và Luật SHTT có quy định chưa thống nhất về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý đối với các hàng hoá theo 2 loại hình này… Trong khi đó, việc xử lý hình sự liên quan đến SHTT chưa thực hiện được vụ nào vì theo Điều 192 của Bộ Luật hình sự thì chỉ áp dụng cho hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả, không áp dụng cho hàng giả về SHTT.
Vướng mắc nữa là, việc sản xuất có dấu hiệu hàng giả mà liên quan đến xuất khẩu thì theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp không quy định thẩm quyền xử lý của lực lượng hải quan. Ngoài ra, các doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền nhiều khi còn thiếu sự quan tâm phối hợp trong quá trình trao đổi thông tin, đấu tranh, bắt giữ và xử lý vi phạm.
Do vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh với tội phạm buôn lậu, hàng giả, vi phạm SHTT, theo ông Linh, cấp có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng vi phạm SHTT.
‘‘Đồng thời, song song việc bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng hải quan đối với hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp; cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, doanh nghiệp chung tay phòng, chống buôn lậu, trong đó có hàng giả, hàng vi phạm SHTT…’’ – ông Linh kiến nghị.
Quang cảnh buổi tọa đàm chống hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Ảnh: Đỗ Doãn |
Năm 2022, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì phối hợp phát hiện, xử lý 8 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, trị giá tang vật ước tính 26,4 tỷ đồng, với số tiền xử phạt 362 triệu đồng, trong đó chuyển cơ quan công an xử lý hình sự 1 vụ. Riêng tại địa phương, có 5/35 cục hải quan phát hiện 62 vụ, trị giá hàng vi phạm ước tính 17,7 tỷ đồng gồm: An Giang (1 vụ), Hải Phòng (11 vụ), TP. Hồ Chí Minh (4 vụ), Lạng Sơn (10 vụ), Quảng Ninh (35 vụ) và Tây Ninh (1 vụ); trong đó 5 vụ đã khởi tố hình sự. |