Mô hình nhà màng giúp kiểm soát tốt các yếu tố khí hậu trong sản xuất ớt chuông của anh Nguyễn Xuân Khiêm (xã Đại Lai, huyện Gia Bình).
Theo chân chị Bùi Thị Mai (sinh năm 1990) đi thăm một vòng trang trại Sơn Mai tại xã Đại Lai (Gia Bình) chúng tôi bất ngờ bởi sự quy củ, ngăn nắp và thoáng đãng khác hẳn những trang trại chăn nuôi thông thường. Theo chị, bí quyết là chị đã áp dụng men vi sinh IMO xử lý khí thải trong chuồng kín, hạn chế mùi xả thải ra môi trường xung quanh. Phân gà sau khi được xử lý có thể làm thức ăn, phân bón cho doanh thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Trong khuôn viên khoảng 3.000 m2, Mai chia từng khu nuôi gà bố mẹ, gà hậu bị… ở không gian khép kín với những hệ thống thiết bị hiện đại. Đó là hệ thống điều chỉnh mức nước, hệ thống điện hẹn giờ tắt, mở tự động cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn gà. Hệ thống giàn mát (vòng tuần hoàn), bể hồi nhằm mang lại lượng hơi nước tốt nhất cho gà trong thời tiết nắng nóng. Hệ thống máng tự động cho ăn ở gà hậu bị, hệ thống xe cho ăn với gà đẻ nhằm hạn chế sự xô đàn, giảm nhân công. Mọi thứ đều có thể điều khiển từ xa chỉ với chiếc điện thoại có kết nối mạng.
Mai chia sẻ: “Tôi thấy may mắn của thế hệ trẻ là được tiếp cận nhanh thành quả khoa học kỹ thuật, vì vậy có thể tận dụng được quỹ đất hạn hẹp mà vẫn sản xuất được sản lượng lớn và tạo ra vòng tuần hoàn cho sản xuất. Rõ ràng, nhờ áp dụng kỹ thuật hiện đại, trang trại đã quản lý tốt hơn về số lượng cũng như chất lượng gà bố mẹ ở từng giai đoạn. Nhanh chóng phát hiện ra các mầm bệnh và xử lý hiệu quả không bị lây lan dịch bệnh, giảm tỷ lệ hao hụt ở các giai đoạn phát triển. Nhờ đó, trang trại duy trì sản lượng cung ứng hàng vạn gà con giống chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh mỗi tháng, doanh thu bình quân khoảng 3 tỷ đồng/năm”.
Huyện Gia Bình gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp gắn liền với phát triển xanh. “Xanh” ở đây không hẳn chỉ là trồng thêm nhiều cây mà còn là lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, những giải pháp sản xuất giúp giảm tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu, thân thiện với môi trường, tối ưu hóa năng suất bằng công nghệ mới. Điển hình như mô hình nhà màng, nhà lưới sản xuất các loại cây rau màu có giá trị kinh tế (dưa chuột baby, dưa lưới, ớt chuông…) của anh Bùi Xuân Quế (Nhân Thắng), Nguyễn Xuân Khiêm (Đại Lai); mô hình trồng cây xanh và sản xuất túi vải không dệt tự hủy của anh Nguyễn Vĩnh Bảo (Giang Sơn); mô hình trồng cây dược liệu và chiết xuất, chế tạo các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên của Vũ Thị Thu (Thái Bảo)… Từ những dự án khởi nghiệp đến nay các mô hình này đã có bước tiến dài, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu, được thị trường đón nhận và có giá thành vượt trội. Đây đều là những điểm sáng dẫn dắt phát triển kinh tế nông nghiệp ở một địa phương thuần nông như Gia Bình, thay thế các phương thức canh tác truyền thống kém hiệu quả, không phát huy được giá trị tài nguyên.
Tuy nhiên, để có thể phát triển kinh tế xanh, yếu tố đầu tư cho hạ tầng công nghệ là rất quan trọng. Trong khi đó, ở những mô hình non trẻ này, nguồn vốn lớn để mua thiết bị, công nghệ đang trở thành rào cản. Cụ thể, với mô hình nuôi gà ứng dụng công nghệ cao, gia đình chị Bùi Thị Mai phải vay mượn số vốn lên tới gần 5 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống- một khoản tiền không nhỏ đối với những thanh niên chưa có nhiều tích lũy hay tài sản thế chấp. Những mô hình nhà màng, nhà lưới hay áp dụng hệ thống tuần hoàn đều đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ ngay từ ban đầu. Vì vậy, để thanh niên khai thác tốt tiềm năng trong phát triển kinh tế ở địa phương, họ cần được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi hay tạo điều kiện kêu gọi vốn đầu tư. Ngoài ra, cần có cơ chế cho mượn đất, thuê đất giúp họ yên tâm xây dựng hạ tầng sản xuất; chú trọng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên; kết nối các mô hình để bạn trẻ chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh… Từ những động lực tích cực đó, các bạn trẻ tiếp tục sáng tạo và cải thiện không ngừng, hòa cùng xu thế khởi nghiệp xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống dài lâu.