Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Yên Phong. Từ những chương trình hỗ trợ của Hội và sự nỗ lực vươn lên của hội viên, đến nay, nhiều hộ hội viên phát huy thế mạnh địa phương, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, xã hội.
Trong khi nhiều nông dân “thoát ly” nông nghiệp thì chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Chi Long, xã Long Châu lựa chọn làm giàu từ ruộng đất với những cánh đồng lúa. Từ khi có Khu Công nghiệp Yên Phong 1 vào hoạt động kéo theo dịch vụ, phòng trọ phát triển, người dân đi làm công nhân tại các Khu công nghiệp, các xứ đồng trên địa bàn tình trạng bỏ ruộng hoang hóa không sản xuất diễn ra nhiều vụ, nhiều năm. Nhận thấy việc sản xuất quy mô lớn phù hợp nên chị đề xuất với xã và đến từng hộ dân để thuê lại 10,5 ha ruộng để sản xuất.Được sự hỗ trợ của Chi hội nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Phong, chị Lan thuê được đất và áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Năm 2018, gia đình chị đầu tư gieo cấy giống lúa GS9 cho Công ty Cổ phần giống cấy trồng Đại Thành Bắc Ninh và Lúa thuần của Công ty vật tư Bắc Giang… áp dụng kỹ thuật cao như: Gieo mạ khay, cấy bằng máy; sử dụng dịch vụ phun phòng trừ sâu bệnh, dịch hại lúa bằng máy bay không người lái… qua đó, nâng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài 2 vụ lúa mỗi năm, chị Lan triển khai trồng xen canh thêm 16 ha khoai tây thương phẩm Atlantic cung cấp cho Công ty TNHH Orion Vina. Vừa cấy lúa, vừa trồng khoai, mô hình sản xuất của chị Lan cho lợi nhuận gần 500 triệu đồng/năm và chia sẻ kinh nghiệm và tạo việc làm cho nhiều nông dân ở địa phương.

Đồng hành và tạo điều kiện hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, ngay đầu nhiệm kỳ 2018-2023, HND huyện Yên Phong cùng các cấp Hội cơ sở tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở nông thôn và hình thành các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh phù hợp định hướng phát triển của địa phương.

 

Cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX nông nghiệp Đức Lân (xã Yên Phụ, huyện Yên Phong).

 

Hiện tại, toàn huyện có 6 trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung xa khu dân cư được ứng dụng công nghệ cao “hệ thống chuồng kín” tại các xã: Văn Môn, Yên Phụ, Long Châu, Trung Nghĩa, Hòa Tiến với quy mô nuôi từ 1.000-3.000 con lợn thương phẩm/lứa, mỗi năm cung ứng 3-4 nghìn tấn lợn hơi xuất chuồng; 42 hộ nuôi trồng thủy sản xã Tam Đa, Dũng Liệt và Yên Trung; 4 mô hình trồng trọt nhà màng, nhà kính tại thị trấn Chờ, xã Đông Tiến, Yên Trung, Thụy Hòa quy mô từ 5.000m²-10.000m² doanh thu từ 200-400 triệu đồng/ha. Đặc biệt mô hình trồng lúa hàng hóa của HTX thôn Đức Lân, xã Yên Phụ quy mô 50 ha liên kết 115 hộ cùng tích tụ đất sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, doanh thu từ 200-300 triệu đồng/ha. Thực hiện chương trình đề án mỗi xã một sản phẩm từ năm 2020 đến nay, huyện Yên Phong có 4 sản phẩm OCOP. Việc xây dựng sản phẩm OCOP tạo điều kiện làm tăng giá trị sản phẩm từ 15-20% giá trị, tiêu thụ ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Nhằm giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, Hội khai thác tốt nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp cho 2.815 lượt hộ nông dân vay với số tiền hơn 112 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn tập trung vận động và xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số vốn quỹ đạt 11,748 tỷ đồng, giúp hàng trăm hội viên nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hội phối hợp tổ chức 475 buổi tập huấn chuyển giao KHKT cho 45.600 lượt hội viên nông dân về chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa, rau màu, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và kỹ thuật sử dụng phân bón NPK, phân vi sinh; hướng dẫn nông dân thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất rau, củ quả an toàn; phối hợp cung ứng hơn 745 tấn vật tư nông nghiệp và 72 tấn thức ăn chăn nuôi các loại với trị giá hàng chục tỷ đồng; tổ chức 15 lớp dạy nghề cho 480 hội viên nông dân với các ngành nghề chủ yếu như: trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi thú y, kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp… kết thúc lớp học 100% học viên tốt nghiệp được cấp chứng chỉ, trong đó có có 70% học viên sau học nghề có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và xã hội.

Đến nay, toàn huyện Yên Phong có hơn 48 nghìn lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững của huyện xuống còn 1,08%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,83% năm 2022.

Để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, HND huyện Yên Phong tiếp tục tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn. Làm tốt việc tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh và trang bị kiến thức khoa học-kỹ thuật phục vụ sản xuất cho hội viên. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho hội viên nông dân được tham gia các chuyến thăm quan, học tập kinh nghiệp các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả…

Nguyễn Quân