Triển vọng cây cam Vinh trên đất Thuận Thành

30/11/2023 15:13 Số lượt xem: 851   
Mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng giống cam Vinh, đến nay mô hình của gia đình ông Nguyễn Đăng Tuấn khu phố Tam Á, Phường Gia Đông (thị xã Thuận Thành) đã thu về những trái ngọt.

Mô hình trồng cam Vinh của ông Nguyễn Đăng Tuấn, khu phố Tam Á, Phường Gia Đông (thị xã Thuận Thành).

 

Trong cái nắng hanh vàng, vườn cam sai trĩu, chín vàng, căng mọng sắp được thu hoạch trong khu vườn của gia đình ông Nguyễn Đăng Tuấn trông lại càng bắt mắt. Sau khi cùng con trai hướng dẫn một vài đoàn khách đến trải nghiệm và thu cam mua tại vườn, ông Tuấn phấn khởi chia sẻ: “Đây là lứa thứ 3 vườn cam cho thu hoạch. Năm nay những cây cam quả sai, đều và ngọt hơn những năm trước. Ngoài khách mua buôn, mua lẻ, thì vườn cam còn mở thêm dịch vụ đón các đoàn trải nghiệm hái cam và thưởng thức tại vườn”.

Nhớ lại quá trình đưa cây cam Vinh về trồng trên mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Đăng Tuấn cho biết: Nhận thấy việc trồng lúa kém năng suất và hiệu quả, năm 2004, gia đình tôi quyết định chuyển lên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) để học hỏi kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cam. Sau đó, tôi bỏ nhiều thời gian, công sức nghiên cứu tài liệu về đặc tính của giống cam Vinh, về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng đất Gia Đông để hiện thực hóa mong muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của mình. Đến cuối năm 2016, tôi quyết định trồng 1.000 gốc cam vinh trên đồng đất quê hương.

Trên diện tích 1,3 ha ruộng đất thuê lại của hơn 20 hộ dân quanh vùng,  ông Tuấn cải tạo đất, thuê máy đắp bờ, lên luống trồng cam bảo đảm kỹ thuật, khoảng cách giữa các cây, giữa các luống, lắp đặt hệ thống ống dẫn để tưới tiêu nước được thuận lợi và chủ động. Theo ông Tuấn: Thời gian từ 1 đến 3 năm đầu tiên, cần tiến hành bấm ngọn để tạo tán và khống chế chiều cao cho cây, giúp cây phát triển theo một khung ổn định. Quan trọng nhất là phòng bệnh, phát hiện sớm những biểu hiện bệnh lý của cây cam để có cách chữa trị phù hợp; thời gian, kỹ thuật cắt tỉa cành, kỹ thuật bón phân vi sinh, phun thuốc bảo vệ thực vật… đúng thời điểm, đúng tỷ lệ thuốc để cho ra được sản phẩm cam có năng suất, chất lượng. Để cam có chất lượng tốt nhất, gia đình ông Tuấn trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, ông mua phân gà, đỗ tương từ các trang trại về ủ cho hoai mục và sử dụng thêm phân lân và trấu hun để bón gốc cam. Thuốc bảo vệ thực vật ông lấy từ Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Trường Đại Học Lâm Nghiệp Việt Nam). Đặc biệt, trước khi thu hoạch khoảng hơn 1 tháng, ông sẽ dừng tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật để cam cho chất lượng tốt nhất, đồng thời bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Vườn cam Vinh của ông Nguyễn Đăng Tuấn thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

 

Để cây cam ra hoa đậu quả sai, ông Tuấn cho biết, các thời kỳ bật mầm, phân hóa mầm hoa, ra hoa đậu quả và quả phát triển cần tập trung cung cấp đủ nước và dinh dưỡng. Số lượng phân bón phụ thuộc vào tuổi cây, thường thì chia làm 3 đợt trong một năm, thường xuyên bón bổ sung bột đỗ tương vào thời điểm cây nuôi quả. Vào thời kỳ sai quả, sẽ làm cây chống đỡ hoặc dùng dây buộc để níu cành, tránh làm cành cam bị gãy, hỏng, giảm năng suất. Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, cam có vị ngọt, màu sắc đặc trưng, quả tròn đều, trung bình từ 4 – 6 quả/kg, vỏ ngoài có màu vàng chanh pha lẫn với màu xanh là thời điểm có thể thu hoạch.

Năm 2022, khu trồng cam vinh của gia đình ông Tuấn cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả, giá xuất bán 18.000 đến 25.000 đồng/kg, giá bán lẻ trên thị trường dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí tiền lãi thu về trên 300 triệu đồng. Với chất lượng quả tốt, sản phẩm cam Vinh của gia đình được một số trường học, công ty và các thương lái trên địa bàn đến tận vườn thu mua. Năm 2023, vườn cam Vinh của ông dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 25-30 tấn quả. Đặc biệt, để quảng bá vườn cam, con trai ông Tuấn đang đẩy mạnh giới thiệu, bán hàng trên Facebook, zalo cá nhân, đồng thời anh mở cửa vườn cam để mọi người có thể đến tham quan, trải nghiệm chụp ảnh cũng như tự tay lựa chọn những quả cam ưa thích. Hiện nay, trung bình mỗi ngày vườn cam của anh đón hàng chục lượt khách cả trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Vào những ngày cuối tuần, lượt khách đến trải nghiệm và mua cam sẽ đông hơn.

Thời gian tới, ông Nguyễn Đăng Tuấn mong muốn thuê thêm được đất của các hộ dân khác để tiếp tục mở rộng vườn cam, tiếp tục đầu tư kỹ thuật, phát triển vườn cam cho năng suất, sản lượng cao hơn. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng cường niềm tin cho khách hàng, mang hiệu hiệu quả kinh tế lâu dài, bền vững thì việc xây dựng, phát triển trang trại theo hướng VietGap là điều gia đình ông Tuấn đang hướng đến.

Nguyễn Quân