Xã An Thịnh có dân số trên 13.000 nhân khẩu, phân bố ở 7 thôn. Diện tích đất tự nhiên của xã là hơn 1.011 ha, trong đó 507,4 ha đất nông nghiệp cùng với điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Tăng Cường, Bí thư Đảng uỷ xã An Thịnh cho biết: An Thịnh vốn xã thuần nông có xuất phát điểm thấp, Đảng uỷ, chính quyền xã xác định phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo. Từ đó đề ra nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt, chú trọng làm tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản của địa phương.
Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước mà trực tiếp là các chính sách của tỉnh, huyện về hỗ trợ nông nghiệp, cùng sự quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở An Thịnh đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung theo quy mô lớn với tổng diện tích là 97,2 ha. Trong đó, chuyển đổi từ trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả được 2,72 ha, mô hình lúa cá là 44 ha, cây màu có giá trị kinh tế cao là 50,48 ha.
Chính từ việc chuyển đổi này đã tạo ra giá trị kinh tế cao gấp 4-5 lần so với việc trồng lúa trước đây và bước đầu hình thành các khu trồng trọt cây có giá trị kinh tế cao tập trung như: Cây tỏi tại An Trụ, Thanh Hà; cây cà rốt tại Cáp Thuỷ, Cường Tráng, Thanh Lâm… dần dần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang sản xuất mang tính hiện đại, áp dụng các khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời, giải quyết được số lượng lớn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân của địa phương.
Cây tỏi đang là cây trồng chủ lực của xã An Thịnh.
Song song với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của địa phương, thế mạnh là cây tỏi. Tỏi An Thịnh được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tạo thuận lợi lớn trong việc lưu giữ, phát triển, nâng cao cả về quy mô, năng suất, chất lượng sản phẩm và lưu thông, quảng bá sản phẩm được bảo hộ đến thị trường. Từ khi được công nhận chỉ dẫn địa lý, diện tích trồng tỏi tăng từ 50-60 ha lên 80 ha. Đặc biệt, xã có 8 sản phẩm tỏi được chứng nhận OCOP 4 sao theo chương trình mỗi xã một sản phẩm và danh tiếng tỏi An Thịnh cũng ngày càng lan xa. Một số hộ dân, doanh nghiệp đầu tư các lò sấy, chế biến, bảo quản đối với các sản phẩm tỏi, cà rốt, ớt. Trên địa bàn xã có các dự án sản xuất, kinh doanh, chế biến tỏi và các sản phẩm nông nghiệp khác dự kiến thực hiện trên diện tích khoảng 21,8 ha do các Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Lương Tài, Công ty Cổ phần Quang Vũ Kinh Bắc và Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Kinh Bắc đề xuất.
Bên cạnh những kết quả rất đáng khích lệ, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã đa phần còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng, tập trung, quy mô lớn. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mới chỉ tồn tại ở dạng mô hình thử nghiệm và đa phần có sự bảo trợ của Nhà nước. Chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, phần lớn sản phẩm chưa có thương hiệu, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn khó khăn. Việc xây dựng, phát triển thương hiệu gặp nhiều khó khăn bởi các hộ dân vẫn chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, chưa áp dụng nhiều khoa học tiên tiến. Các sản phẩm tạo ra chủ yếu là dưới dạng nguyên liệu thô, giá cả bấp bênh…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Dỹ, Chủ tịch UBND xã thì: Trên cơ sở đánh giá những khó khăn, tồn tại, Đảng uỷ, UBND xã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân để tiếp tục làm tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, trong đó tập trung vào nông sản chủ lực, thế mạnh như tỏi, hành, khoai lang. Cùng với duy trì hợp lý quỹ đất dành cho nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xã sẽ tích cực tham mưu, đề xuất, kiến nghị để đẩy mạnh sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà kinh doanh và Nhà nước) để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của xã.