Ông nhìn nhận ra sao về sự cần thiết xây dựng thương hiệu quốc gia?
Vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia, không phải đến bây giờ mới đặt ra, mà nó đã trở thành một bài toán cho nhiều quốc gia. Chúng ta đã thấy những bài học thành công từ Hàn Quốc về khả năng thương hiệu quốc gia – có thể giúp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ XK đi các nước là không thể bàn cãi. Vì vậy, cần tập trung các nguồn lực và nỗ lực hơn nữa cho hoạt động xây dựng thương hiệu quốc gia.
Từ đó, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ được nhìn nhận và đánh giá tốt hơn trên thị trường quốc tế, để tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác.
Chương trình Thương hiệu quốc gia, do Bộ Công Thương triển khai, đang có những tác động lớn, thu hút sự tham gia của nhiều DN. Tuy nhiên, những giá trị tốt đẹp này cần được quảng bá mạnh mẽ hơn nữa trên thị trường thế giới, thì mới tạo ra được ảnh hưởng thực sự tích cực cho các DN.
Chúng ta có thể dựa vào sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, các công ty về chiến lược thương hiệu và đo lường hiệu quả chuyên nghiệp trên thị trường để đánh giá hằng năm, qua đó đưa ra những định hướng điều chỉnh phù hợp nhằm đạt được hiệu quả hoạt động tốt nhất.
Để Chương trình Thương hiệu quốc gia đạt được hiệu quả hơn nữa, chúng ta cần phải làm gì?
Chương trình Thương hiệu quốc gia, do Bộ Công Thương triển khai – sẽ tạo sức hút lớn nếu có thêm những nguồn ngân sách để quảng bá và hỗ trợ các DN tham gia. Điều này, thể hiện sự cam kết rất lớn của Chính phủ, vì các hoạt động quảng bá của chương trình này ra nước ngoài, sẽ cần nhiều nguồn lực về tài chính và sự hỗ trợ của các cơ quan bộ, ngành có liên quan.
Cần tranh thủ sức ảnh hưởng từ các công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam, những thương hiệu đang có tham vọng lớn về chinh phục thị trường thế giới, cũng như tạo ra những giá trị vượt lên trên lợi nhuận và đóng góp cho xã hội.
Hiện tại, Việt Nam có nhiều DN như vậy và họ đang hoạt động độc lập. Nếu chúng ta tập hợp được các DN này, sẽ là một cơ hội rất lớn để quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia trên thế giới.
Xây dựng thương hiệu trong thời hội nhập – vấn đề được các DN đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, có những DN vẫn loay hoay tìm kiếm cơ hội phát triển, vì sao như vậy?
Các DN Việt ý thức ngày càng rõ về vai trò của thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Nhiều công ty, trước đây chỉ chú trọng xuất khẩu nguyên liệu hoặc bán thành phẩm thì nay, đã đầu tư mạnh mẽ để xây dựng thương hiệu riêng, chứng tỏ họ đã nhận thức ngày càng rõ hơn về lợi ích lâu dài của việc xây dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự nhận thức về tầm quan trọng trong xây dựng và phát triển thương hiệu của không ít DN còn hạn chế.
Những khó khăn liên tiếp về thị trường, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến ngân sách các DN bị cắt giảm dẫn tới việc xây dựng thươnng hiệu càng gặp nhiều khó khăn.
Hầu hết DN đang trong quá trình tái cấu trúc và vật lộn với những thách thức của thị trường như nhu cầu giảm, chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn, chi phí sản xuất và lưu thông tăng cao khiến giá thành sản phẩm đội lên… Do đó, ngân sách cho việc quảng bá hình ảnh, chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Khó khăn tiếp theo chính là vấn đề chuyên môn trong xây dựng thương hiệu. Không phải DN nào cũng có thể xây dựng được một đội ngũ cán bộ, nhân viên có chất lượng. Sự hạn chế về nguồn cung nhân lực trong bảng xây dựng thương hiệu – là nguyên nhân chính cho vấn đề này.
Một trong những điểm yếu cố hữu của không ít DN Việt, chính là rào cản ngôn ngữ. Nghĩa là, khi làm việc với đối tác nước ngoài và thị trường XK, thì ngôn ngữ chính là một thứ rào cản không phải DN nào cũng vượt qua được. Rào cản này, kéo theo hệ lụy đó là sự thiếu hiểu biết, không am hiểu văn hóa địa phương, tập tục thói quen tiêu dùng ở thị trường nước ngoài, do đó, không có khả năng đưa ra được những hoạt động marketing phù hợp…
Vậy, theo ông, DN phải làm gì nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc?
Theo tôi, DN cần tìm đến các nhà tư vấn chuyên nghiệp. Điều đó, nó cũng thể hiện một thái độ đầu tư nghiêm túc trong quá trình xây dựng thương hiệu, sử dụng những nguồn nhân lực và kiến thức dồi dào từ những nhà cung cấp dịch vụ, để có thể đạt được hiệu quả trong môi trường quốc tế.
Trong bối cảnh số hóa phát triển như vũ bão, việc xây dựng thương hiệu của DN cũng cần có những định hướng và cách thức phù hợp?
Chúng ta đang ở giai đoạn phát triển rất nhanh về số hóa. Nhờ nỗ lực số hóa các hoạt động truyền thống của mình mà nhiều DN đạt được kết quả cao trong cách thức vận hành, quản lý, cách tiếp cận khách hàng và bán hàng. Đến thời điểm này, các DN đã đáp ứng rất nhanh sự thay đổi về thói quen tiêu dùng của khách hàng thông qua môi trường kỹ thuật số.
Việc xây dựng thương hiệu trên môi trường kỹ thuật số, có nhiều điểm khác biệt so cách thức xây dựng thương hiệu truyền thống: Hoạt động ngày càng phải nhanh, liên tục và thay đổi thường xuyên hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trên mạng, mà vẫn không làm thay đổi những giá trị cốt lõi và định hướng phát triển bền vững của thương hiệu.
Khả năng linh hoạt và sáng tạo – đóng vai trò quan trọng trong xây dựng thương hiệu trên môi trường thế giới số – khiến cho các thương hiệu trở nên gần gũi và thân thiết hơn với người tiêu dùng. Không ai có thể cưỡng nổi những thay đổi này, nếu muốn thương hiệu của mình thành công trên một môi trường mà nền tảng kỹ thuật số đang ngày một trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong xây dựng thương hiệu trước bối cảnh số hóa hiện nay?
Trước hết, dân số Việt Nam rất trẻ và năng động, khiến cho quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng và đi vào cuộc sống hằng ngày. Nói cách khác, việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội hằng ngày ngày một phổ biến và không thể bàn cãi đối với hầu hết các khách hàng.
Điều đó, nói lên vai trò ngày càng quan trọng của các “ông lớn” trong ngành công nghiệp khi họ nắm giữ hầu hết data khách hàng. Google và Facebook vẫn là 2 nền tảng công nghệ quan trọng nhất, tuy nhiên các nền tảng khác như Youtube, Instagram, Tiktok… cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Không gian mạng – trở nên rất rộng lớn cho các DN thể hiện khả năng quản trị và xây dựng thương hiệu của mình. Điều này, cũng đặt ra nhiều thách thức về việc lựa chọn và đầu tư xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả. Bởi vì, chưa có nhiều DN có nguồn lực đủ lớn để triển khai mọi hoạt động trên các nền tảng đa dạng này.
Rõ ràng, khả năng quản trị thương hiệu một cách hiệu quả trên mạng xã hội – trở thành một vũ khí quan trọng đối với bất kỳ DN nào trong giai đoạn hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thu (Thực hiện)