Tại Cần Thơ vừa diễn ra Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Thực tế thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều bài học xương máu về việc chậm trễ xây dựng thương hiệu khiến nông sản Việt Nam bị lấy mất ở thị trường nước ngoài. Điển hình là nước mắm Phú Quốc bị các công ty tại Thái Lan sử dụng khi xuất khẩu sang Mỹ, Australia và châu Âu; nước mắm Phan Thiết bị đăng ký tại Mỹ; cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký tại Trung Quốc; cà phê Đắk Lắk bị đăng ký tại Pháp… Hay đơn giản như cùng giống sầu riêng, thậm chí ngon không kém nhưng Musang King của Malaysia trồng tại Việt Nam bán từ 500.000 đến 800.000 đồng/kg, trong khi sầu riêng Ri6 của Việt Nam chỉ có giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa / Vietnam+ |
Sẽ mất gì khi chậm trễ xây dựng thương hiệu nông sản? Hầu hết nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý đều biết rõ câu trả lời. Có rất nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức với mục đích chỉ ra nguyên nhân và tìm giải pháp, song một thời gian dài, thực trạng đến 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô; gần 80% sản phẩm nông sản Việt phải “mượn danh” để xuất ra thế giới vẫn chưa thể giải quyết.
Vì sao xây dựng thương hiệu nông sản lại ì ạch? Mấu chốt mang tính bản chất là việc chạy theo lợi ích trước mắt của nông dân, tư duy “buôn chuyến” của một số doanh nghiệp và sự hời hợt trong quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Nguyên nhân đã được chỉ ra, điều cần làm lúc này là rà soát lại thế mạnh nông sản của từng địa phương; xây dựng khung hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm mang tính chất thương hiệu quốc gia; chú ý hệ sinh thái và phát triển thương hiệu, quan tâm đến cơ chế quản lý. Muốn thế cần có cái bắt tay, mối liên kết thật chặt của các nhà: Nhà nông-nhà doanh nghiệp và Nhà nước để cùng nhau xây dựng chiến lược, kết hợp giữa xây dựng, bảo vệ và khuếch trương thương hiệu nông sản Việt Nam.
Khóa học 4 năm tự mình đòi lại thương hiệu cho gạo ST25 của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua không chỉ có một học viên mà sẽ là nhiều hơn nếu việc xây dựng thương hiệu cho nông sản còn chậm trễ.
Vì thế, nói như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam: “Phải bắt tay vào làm ngay, không ngồi chờ nữa vì đã quá lâu rồi. Để tới đây sẽ không có thêm lời “tôi đã phải xin lỗi Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua” hay bài học xương máu nào nữa!”.