Định danh điện tử cho nông sản Việt
Trong thời gian gần đây, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh nông sản Việt có gắn mã QR được bày bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên các tỉnh, thành trên cả nước. Những mã này cho phép người tiêu dùng truy cập trực tiếp thông tin nguồn gốc, mã số vùng trồng, quy trình sản xuất và vận chuyển của từng sản phẩm chỉ với một lần quét trên điện thoại thông minh.
Hiện tại, một số ngành hàng đã được triển khai gắn mã QR bao gồm: rau củ (Lâm Đồng), xoài (Đồng Tháp), sầu riêng (Đắk Lắk), v.v.
Việc gắn mã QR được xem như một hình thức cấp “căn cước” cho các mặt hàng nông sản, tăng cường lòng tin của khách hàng, đảm bảo trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà cung cấp với chất lượng nông sản đưa ra thị trường.
Không chỉ vậy, đây còn là bước chuyển mình quan trọng để đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với các thị trường lớn và khó tính như Trung Quốc, Mỹ, Châu u, trong bối cảnh những nước này ngày càng có nhiều quy định khắt khe hơn với nông sản nhập khẩu.
Gắn mã QR truy xuất nguồn gốc cho trái thanh long
Đối với ngành hàng thanh long Bình Thuận, việc cung cấp các mã QR truy xuất nguồn gốc cho từng trái thanh long đã được thực hiện thí điểm từ tháng 2/2023 tại 300 hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh (với tổng 178 ha). Để đảm bảo đem lại kết quả bao trùm, có giá trị trong phân tích thử nghiệm, những cơ sở được lựa chọn có phương thức canh tác trải đều ở cả bốn hình thức VietGAP, Global GAP, hữu cơ và truyền thống.
Ngoài các thông tin mang giá trị định danh, mã QR trên những trái thanh long của chương trình thí điểm còn bao gồm cả thông tin liên quan tới lượng phát thải khí nhà kính – hay còn gọi là “Dấu chân các-bon” – trong toàn bộ quy trình sản xuất và phân phối.
Đây là một hoạt động trọng điểm của lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long trong ba năm, với sự hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và tỉnh Bình Thuận trong dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam.” Với nguồn hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Đức, Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu, dự án hướng tới mục tiêu khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân vào thực hiện các mục tiêu trong cam kết NDC của Việt Nam.
Kể từ ngày tham gia chương trình thí điểm, công việc kinh doanh của gia đình ông Lê Văn Kha (Hợp tác xã Hòa Lệ) đã được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh theo dõi tiến độ sản xuất và tình hình kinh doanh, ông Kha còn dành thời gian cập nhật thông tin chi tiết về lượng nước tưới, phân bón và năng lượng (như điện năng, xăng, dầu, v.v) sử dụng trong mỗi giai đoạn sản xuất (gieo hạt, ra hoa, thu hoạch, v.v).
Dữ liệu này sẽ được phân tích bằng một công cụ do chuyên gia của dự án cung cấp, từ đó, ông Kha có thể dễ dàng theo dõi lượng phát thải trong quy trình canh tác của gia đình theo vụ, theo diện tích trồng, hay cụ thể hơn theo từng kilogram quả trước khi bán ra thị trường.
“Gần đây, tôi đã kí được một hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn thanh long sang châu Âu.” Ông Kha chia sẻ. “Vị giám đốc phụ trách nhập hàng đã tới tận nơi thăm vườn, và rất hài lòng với quy trình giám sát, theo dõi khí thải cũng như phương thức canh tác thân thiện với khí hậu mà gia đình tôi áp dụng (GlobalGAP). Chính vì thế, tôi rất mong tiếp tục sử dụng công cụ theo dõi dấu chân các bon mà UNDP đang giúp đỡ phát triển tại Bình Thuận quê tôi trong thời gian tới. Nó đã đem tới những dấu hiệu tích cực cho công việc kinh doanh của gia đình tôi sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.”
Cũng giống như ông Kha, bà Lê Phương Chi (Hợp tác xã Hàm Minh 30) rất hào hứng và lạc quan về những lợi ích mà hệ thống truy xuất dấu chân các bon điện tử mang lại cho việc trồng và chế biến thanh long. Đây chính là một điểm nâng cấp so với phương thức chép tay truyền thống, góp phần cải thiện tính minh bạch của từng sản phẩm trái cây bán đến tay người tiêu dùng. Theo bà Chi, bằng việc công khai nhật kí sản xuất cũng như thông tin về lượng khí thải các bon trong toàn bộ quá trình sản xuất, những người nông dân như bà buộc sẽ phải có trách nhiệm hơn với chất lượng của sản phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng.
Những kết quả ban đầu
Những đánh giá đầu tiên đã chỉ ra rằng lượng phát thải các bon đã giảm đi đáng kể khi áp dụng phương thức GlobalGAP, hữu cơ và VietGAP, so với cách canh tác thanh long truyền thống tại Bình Thuận.
Trong tất cả các phương pháp, phần lớn lượng phát thải khí nhà kính đến từ việc sử dụng phân bón (42 – 52% tổng phát thải), tiếp theo đó là nguồn điện năng (26 – 42%), và sau cùng là xăng, dầu (14 -21%).
Như vậy, cơ hội để giảm phát thải từ sản xuất thanh long cần tập trung vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và năng lượng điện. Ngoài ra, trồng xen cây thân gỗ ở những khu vực trống như vùng đệm, hoặc bên rìa trang trại có khả năng làm giảm lượng khí thải trên toàn bộ chuỗi cung ứng.
Hơn nữa, công cụ tính toán dấu chân các bon còn đóng góp vào việc dự đoán sản lượng và thời điểm thu hoạch cho từng hộ nông dân. Theo Tiến sĩ Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, công cụ này sẽ giúp nông dân ngày càng chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh của mình.
Những kết quả đánh giá ban đầu và bài học rút ra từ chương trình thử nghiệm sẽ tiếp tục được nghiên cứu để cải thiện quy trình và áp dụng rộng rãi hơn trong chuỗi cung ứng tôm tại Bạc Liêu trong thời gian sắp tới.
Truy xuất nguồn gốc hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và có trách nhiệm với khí hậu
Nắm rõ được nguồn gốc và mức độ phát thải khí nhà kính có thể là yếu tố thay đổi toàn bộ cục diện sản xuất và tiêu dùng nông sản với nông dân và người tiêu dùng Việt Nam, dẫn đến sự thay đổi trong các phương thức canh tác sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm nước và hạn chế sử dụng phân bón, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và có trách nhiệm với khí hậu.
“Lần đầu tiên, Việt Nam đã thiết lập một hệ thống truy xuất điện tử để theo dõi nguồn gốc và lượng khí thải các bon của từng trái thanh long được trồng tại một khu vực xuất khẩu lớn như Bình Thuận. Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển dịch xanh trong sản xuất nông nghiệp, đây là công cụ quan trọng cho cả nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương để theo dõi và quản lí mức độ phát thải trong chuỗi cung ứng nông sản. Điều này giúp đảm bảo cho nông dân và các công ty xuất khẩu bắt kịp với yêu cầu của các thị trường xuất khẩu cao cấp,” bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện UNDP Việt Nam chia sẻ.
Những giải pháp số trong quản lí vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và theo dõi dấu chân các bon còn giúp nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất những sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, từ đó, có được tiếng nói bình đẳng hơn trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với nguồn lợi nhuận cao hơn, tệp khách hàng lớn hơn và xây dựng được những chuỗi cung ứng có giá trị hơn. Mã QR truy xuất nguồn gốc đem lại mối liên hệ giữa sản xuất bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm, một điều cần thiết hướng tới tương lai mọi người, mọi hoạt động sản xuất đều cân nhắc tới trách nhiệm với khí hậu và môi trường.
Để đạt được tham vọng ấy, các giải pháp tài chính xanh cần phải được tăng cường. Bắt đầu từ một chuỗi cung ứng cụ thể rồi lan rộng ra toàn bộ nền nông nghiệp Việt Nam, nhằm tạo nền tảng cho một thị trường minh bạch và công bằng; và đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân tham gia chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Những lợi ích ngắn hạn và dài hạn đều là những động lực thúc đẩy họ tham gia xây dựng, phát triển một nền nông nghiệp phát thải thấp và bền vững cho Việt Nam.