Tóm tắt: Nông nghiệp hữu cơ với việc không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất đã đảm bảo được sự an toàn của các sản phẩm nông nghiệp với sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Vì vậy, nông nghiệp hữu cơ được coi là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững, được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm. Đặc biệt, sản phẩm hữu cơ như rau, quả… có thị trường rộng lớn, giá trị cao, đang tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều doanh nghiệp và người sản xuất. Nông nghiệp Việt Nam là Ngành có lợi thế bởi tính đa dạng và quy mô sản lượng, nhiều loại nông sản có sản lượng hàng đầu thế giới.
Từ khóa: Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững, sinh thái, môi trường.
1. Tổng quan chung về nông nghiệp hữu cơ
Theo Liên đoàn Các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.
Các nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ được quy định trong tiêu chuẩn của IFOAM, với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không được sử dụng 05 nguồn vật liệu đầu vào gồm: Hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng, sản phẩm đột biến gen và phân bắc. Nguồn vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp hữu cơ chủ yếu dựa vào luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ nóng, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác.
Theo IFOAM, vai trò của nông nghiệp hữu cơ trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng đều nhằm mục đích duy trì sức khỏe hệ sinh thái và các sinh vật, kể cả các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người.
Canh tác hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh khai thác quá mức gây ô nhiễm môi trường trong tự nhiên, giảm thiểu sử dụng năng lượng và các nguồn không tái sinh để sản xuất ra lương thực mà không gây độc hại, có chất lượng cao, đồng thời đảm bảo, duy trì và làm tăng độ màu mỡ cho đất trong thời gian dài, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, làm đa dạng mùa vụ và các loại vật nuôi sao cho phù hợp với điều kiện của địa phương.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng gần giống với sản phẩm của thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe con người, mùi vị thơm ngon.
2. Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên thế giới
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về thách thức ô nhiễm môi trường nông nghiệp tại Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, sản xuất nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tương đương với sản xuất công nghiệp. Do sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nông nghiệp trở thành nguyên nhân chính làm ô nhiễm đất, không khí và nước. Các vấn đề cần được giải quyết là ô nhiễm ở các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, các làng nghề, vùng sản xuất thâm canh do tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan và khu vực nông thôn do chất thải từ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt không được thu gom xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh. Lượng phát thải khí nhà kính đã tăng từ 4,7 tỷ tấn CO2 (trong năm 2001) lên hơn 5,3 tỷ tấn (năm 2018), tương đương tăng hơn 14%.
Sự ra đời của nông nghiệp hữu cơ hiện trở thành một trong những giải pháp tối ưu nhằm hạn chế và kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Trên thế giới, nông nghiệp hữu cơ đã góp phần không nhỏ đối với môi trường, trong đó có giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Diện tích nông nghiệp hữu cơ của thế giới cũng đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua: Năm 2016, đạt 57,8 triệu hecta, chiếm 1,2% tổng diện tích đất nông nghiệp với giá trị sản phẩm hữu cơ khoảng 89,7 tỷ USD. Trong vòng 10 năm (2006 – 2016), diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của thế giới tăng 150%. Có 178 nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 2,7 triệu người thực hành sản xuất theo phương pháp hữu cơ, trong đó có 87 nước có quy định pháp luật quản lý sản phẩm hữu cơ.
Thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FIBL) và IFOAM cho thấy, năm 2021 có hơn 71 triệu hecta canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như: Mỹ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh. Và đến nay, trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, 73% diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ thế giới thuộc về 10 nước dẫn đầu. Úc có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ nhiều nhất với 27,1 triệu hecta, trong đó 97% là những đồng cỏ chăn nuôi rộng lớn; kế đến là Argentina (3,0 triệu hecta); Trung Quốc (2,3 triệu hecta); Mỹ (2 triệu hecta). (Hình 1)
Hình 1: Phân bổ diện tích nông nghiệp hữu cơ toàn cầu theo châu lục
Tại châu Á, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ khoảng 2.900.000 hecta với 130.000 trang trại. Các quốc gia sản xuất hữu cơ lớn nhất trong khu vực: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Hàn Quốc và Thái Lan. Thị trường lớn nhất hiện nay là Nhật Bản và một số thị trường đang nổi lên như Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn nhất là Mỹ (trên 45% giá trị), tiếp đến là Đức và Pháp. Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người thì Thụy Sĩ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ nhiều nhất (274 Euro/đầu người/năm).
IFOAM cho rằng, phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới và xác định tầm nhìn chiến lược của nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 sẽ góp phần giải quyết các thách thức trong tương lai của nông nghiệp; trở thành hệ thống sử dụng đất được ưa chuộng và được lựa chọn ở nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ an toàn hệ sinh thái nhờ việc tăng cường chức năng sinh thái; sản xuất thực phẩm lành mạnh và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Mặt khác, các trang trại hữu cơ không sử dụng phân bón nitơ tổng hợp mà chủ yếu dựa vào chu trình chăm sóc khép kín, giảm thiểu thiệt hại nhờ yếu tố mùa vụ nên nguy cơ phát thải nitơ oxit tại các trang trại hữu cơ thấp hơn các trang trại truyền thống. Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ giúp giảm thiểu 30% – 70% năng lượng để sản xuất phân bón hóa học và thuốc trừ sâu phục vụ cho nông nghiệp truyền thống. Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ phần nào giữ lại carbon trong đất, từ đó hạn chế lượng carbon phát thải ra bầu khí quyển gây hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Vì vậy, nông nghiệp hữu cơ trở thành một giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu bởi không sử dụng các loại phân bón hóa học làm chậm quá trình suy thoái đất và nước. Theo đó, hạn chế tình trạng biến đổi gen, tăng sự xuất hiện của các loài thiên địch với sâu bọ, mặt khác nông dân giữ được các giống cây trồng lâu năm cho năng suất cao.
3. Hiện trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam
Với lịch sử canh tác hữu cơ đã hình thành từ lâu, nông nghiệp Việt Nam là ngành có lợi thế so sánh bởi tính đa dạng và quy mô sản lượng, chất lượng hàng đầu thế giới. Cùng với đó, các nông sản có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hợp lý, đặc biệt là thủy sản, rau quả và dược liệu, song do cơ chế chính sách và đầu tư quảng bá xúc tiến thương mại, khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất hữu cơ còn hạn chế, diện tích nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn chưa khai thác hết tiềm năng.
Mặt khác, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, đồng thời do yêu cầu tăng dân số trong những thập niên tới với tỷ lệ số dân yêu cầu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng cao sẽ làm biến đổi sâu sắc nền nông nghiệp trên toàn cầu.
Theo FIBL và IFOAM (2016), năm 2014 diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt hơn 43.000 hecta, đứng thứ 56/172 nước trên thế giới, thứ 3 trong ASEAN (sau Indonesia và Philippines). Ngoài ra, Việt Nam còn có 20.030 hecta mặt nước cho thu hoạch sản phẩm hữu cơ, 2.200 hecta cho thu hái tự nhiên, đưa tổng diện tích nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam lên hơn 65.000 hecta. Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam tăng nhanh, gấp hơn 3 lần trong giai đoạn 2007 – 2014. Năm 2016, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010 và đạt khoảng 77.000 hecta.
Đầu năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 hecta canh tác hữu cơ, với sự tham gia của gần 20.000 lao động tại 46 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, có khoảng 160 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 335 triệu USD (tăng gần 15 lần so với năm 2010), đứng thứ 8 trong 10 nước có diện tích nông nghiệp hữu cơ tại châu Á. Sau 10 năm, diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ của nước ta tăng trên 223.000 hecta. Sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến các thị trường quốc tế lớn như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Hàn Quốc…
Năm 2017, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố 02 trang trại của 02 doanh nghiệp Vinamilk và TH True Milk đã đạt tiêu chí hữu cơ theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế. Cùng với 02 trang trại bò sữa của các doanh nghiệp nêu trên, hiện nay, cả nước đã có nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm nông sản đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc. Bên cạnh đó, có Công ty Viễn Phú sản xuất lúa gạo và rau hữu cơ; Công ty Organic Ðà Lạt sản xuất rau hữu cơ; Công ty Ecolink và Công ty Hùng Cường xây dựng hệ thống công nhận quốc tế (ICS) dựa trên mạng lưới sản xuất nông hộ chè hữu cơ giống Shan Tuyết tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang, Công ty Quế hồi Vinasamex của Yên Bái… Cùng với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trên cả nước hiện đã xuất hiện nhiều hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh theo mô hình này một cách ổn định, bền vững.
Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2020. Tính đến nay, sau hơn 02 năm thực hiện, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hoạt động hiệu quả. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện nay, nhiều địa phương đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Mặc dù đi sau so với nhiều quốc gia trên thế giới về các sản phẩm hữu cơ, nhưng sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân, đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, hiện nay, cả nước có hàng trăm cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bến Tre hiện là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất nước với hơn 3.000 hecta, trong đó chủ yếu là diện tích trồng dừa hữu cơ. Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ nhiều nhất khu vực Nam Trung Bộ với gần 500 hecta cây ăn trái như nho, táo, trong đó riêng diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ 285 hecta. Bên cạnh đó, đã có một số địa phương sản xuất nông nghiệp hữu cơ được tổ chức nước ngoài chứng nhận như: Lào Cai, Hà Giang (tổ chức chứng nhận ATC của Thái Lan; tiêu chuẩn EU, USDA của Mỹ); Cà Mau, Lâm Ðồng (tổ chức chứng nhận Control Union của Hà Lan, tiêu chuẩn EU, USDA). Diện tích đã được các tổ chức nước ngoài chứng nhận trong cả nước đến nay là gần 1.000 hecta.
Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ (như tại Mộc Châu – Sơn La) áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp với khoảng 300 hecta đất nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ trong sản xuất đều đạt năng suất cao, chất lượng tốt, môi trường an toàn, bảo đảm sức khỏe cho con người.
4. Nhận diện một số tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam
Tài nguyên đất, nước và khí hậu phục vụ nông nghiệp
Việt Nam có quỹ đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ là điều kiện thuận lợi sản xuất nông sản quy mô hàng hóa, đây là điều kiện tốt để sản xuất nông nghiệp tập trung, nâng cao sức cạnh tranh nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Trên cơ sở đó, từng địa phương cần chủ động xác định loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh, xác định quy mô nông nghiệp hữu cơ phù hợp, trong quá trình sản xuất cần chú ý yếu tố quyết định là thị trường.
Tài nguyên nước ở Việt Nam khá phong phú bao gồm nước mặt và nước ngầm. Hiện nay, ngành nông nghiệp là ngành tiêu thụ nước nhiều nhất, nên chỉ cần khai thác 10 – 15% trữ lượng là đảm bảo nhu cầu cho sản xuất và đời sống.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nhiều thuận lợi phát triển cây trồng nhiệt đới, bảo đảm cho cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt. Nếu ứng dụng công nghệ cao, chúng ta sẽ sản xuất các nông sản phục vụ cho mùa Đông ở thị trường các nước châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngoài ra, Việt Nam có bờ biển dài, là điều kiện thuận lợi để vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản theo hướng hai chiều của đất nước rất thuận lợi, giảm giá thành. Đồng thời, đây cũng là lợi thế về vận tải đường biển để trao đổi hàng hóa giữa các nước trong khu vực ASEAN, châu Á và thế giới.
Như vậy, thời tiết và khí hậu thuận lợi, chất lượng đất đai tốt là nhân tố tích cực tác động đến năng suất, chất lượng và chi phí sản xuất của nông sản, làm cho sản xuất đạt năng suất cao, nhưng chi phí sản xuất thấp.
Nhân lực lao động
Việt Nam có nguồn lao động nông thôn khá dồi dào với 25 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là nguồn nhân lực quan trọng, thuận lợi trong tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh, đặc biệt vùng nông thôn thiếu lao động trầm trọng, do đó, trong những năm tới cần phải quyết liệt đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để giải quyết vấn đề thiếu lao động vùng nông thôn và giảm giá thành sản xuất.
Thị trường tiêu thụ nông sản mở rộng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 xuất khẩu nông sản thu khoảng 47 tỷ USD (vượt chỉ tiêu hơn 5 tỷ USD). Trong đó, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 03 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất.
Như vậy, trong tương lai nếu chúng ta ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để khai thác ngưỡng đội trần năng suất cây trồng, vật nuôi và đầu tư công nghệ chế biến nông sản có quy mô lớn thì chắc chắn giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong những năm tới, trong đó có nông nghiệp hữu cơ.
5. Những hạn chế trong phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam
Tuy đã có một số thành tựu nhất định, nông sản hữu cơ Việt Nam vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp và giá trị xuất khẩu nông sản. Dù nhiều địa phương đã chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường, nhưng việc khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên, xã hội để phát triển loại hình này vẫn còn nhiều vấn đề. Nguyên nhân là do quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi khắt khe, chi phí sản xuất cao, trong khi năng suất lại thấp và thị trường tiêu thụ chưa ổn định… Mặt khác, việc kiểm soát về dư lượng hóa chất cũng như sự minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ cũng là một vấn đề khiến nhiều sản phẩm hữu cơ mất uy tín trên thị trường. Đó là chưa kể đến những hạn chế trong phát triển hệ thống chuỗi sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam cũng đối diện với những khó khăn, thách thức như sau:
Một là, chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ, mà lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng…
Hai là, chưa có nhiều tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ, phần lớn việc chứng nhận hữu cơ phải thuê các tổ chức nước ngoài nên chi phí cao, khó thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ hoặc các hộ dân.
Ba là, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tài liệu tập huấn đào tạo về sản xuất hữu cơ còn hạn chế, chưa phổ biến.
Bốn là, người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác.
Ngoài ra, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nên khó khăn trong việc sản xuất quy mô lớn dẫn đến chi phí đầu tư cao; nguồn nhân lực chất lượng cao cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn ít; chưa xây dựng các chương trình trọng điểm và đầu tư nguồn lực tương xứng để tạo đột phá…
6. Kết luận và khuyến nghị
Phát triển nông nghiệp hữu cơ cần đòi hỏi tất yếu từ thực tế, gắn với việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Việt Nam. Nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng ở thị trường trong và ngoài nước, mà còn khai thác được thế mạnh của mỗi vùng miền, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững nền nông nghiệp.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ vừa đảm bảo tính bền vững, đồng thời đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, giải pháp về chính sách: Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ như quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ưu đãi cho thuê đất… Đồng thời có những chính sách hỗ trợ, quan tâm tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan tới phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học… Yếu tố thị trường có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần quan tâm, tìm hiểu thị trường tiềm năng giúp doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu và mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thứ hai, giải pháp về khoa học và công nghệ: Đánh giá lại quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ của các doanh nghiệp trên các phương diện quản lý, chất lượng, thương mại sản phẩm… để tìm ra những khó khăn, đề xuất giải pháp phù hợp cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam để rút ra bài học trong việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp và chiến lược phát triển trong thời gian tới.
Thứ ba, giải pháp về hợp tác quốc tế: Cần có sự trao đổi kinh nghiệm, học tập, đào tạo nguồn nhân lực với các tổ chức quốc tế, các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, giúp các doanh nghiệp nước ta được giao lưu, học hỏi, tìm ra giải pháp cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp hữu cơ nói riêng thông qua việc kêu gọi sự đầu tư của các chương trình, dự án nước ngoài về nông nghiệp hữu cơ; tổ chức các hội thảo, diễn đàn, hội nghị, các khóa tập huấn thúc đẩy hợp tác và trao đổi kinh nghiệm.
Thứ tư, giải pháp khuyến khích sự đầu tư của các doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ. Đây sẽ là những doanh nghiệp có vai trò đầu tàu về việc ứng dụng những mô hình sản xuất hữu cơ chuẩn mực, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất đến các trang trại, hợp tác xã và hộ gia đình làm nông nghiệp.
Thứ năm, giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của sản phẩm hữu cơ tới người quản lý, người sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng; việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, chế biến, giám sát và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, với mục tiêu phát triển có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu càng thể hiện rõ hơn quyết tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Đề án cũng xác định, với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Bộ (2017), Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và những vấn đề cần quan tâm. Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam số 7/2017.
2. Bùi Cẩm Tú, Phạm Thị Trầm, Nguyễn Thị Hằng (2019), Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn, số 1 (24), tháng 3/2019.
3. Kỷ yếu Diễn đàn quốc tế “NNHC Việt Nam – Phát triển và hội nhập”, ngày 15-16/12/2017, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Thu Hiền (2021), nông nghiệp hữu cơ và xu hướng toàn cầu. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, 2021.
5. Lê Nguyễn (2021), Phát triển nông nghiệp hữu cơ – Thuận lợi và thách thức. Tạp chí Cộng sản, số tháng 8/2021.
6. Nguyễn Đăng Nghĩa và cộng sự (2016), Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản xuất nông sản sạch tại Việt Nam. Báo cáo chuyên đề của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Châu Tấn Phát (2022), Nông nghiệp hữu cơ: Thực trạng và một số hướng phát triển tại Việt Nam. Tạp chí Mặt trận, số tháng 02/2022.
TS. Nguyễn Đình Đáp, TS. Phạm Thị Trầm
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam