Chương trình OCOP nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Quế Võ

Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Quế Võ giai đoạn 2019-2020 đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực: Năm 2019 huyện Quế Võ có 6 sản phẩm được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt là sản phẩm OCOP cấp tỉnh bao gồm: Gạo tẻ thơm xã Đại Xuân của HTX nông sản an toàn xã Đại Xuân; Dưa gang muối, khoai tây cấp đông của HTX Trường An, xã Bằng An; Khoai tây của HTX Nông nghiệp xanh Quế Võ; Gốm Ngọc của hộ kinh doanh Gốm Ngọc xã Phù Lãng; Sen củ của HTX sản xuất Nông sản – Thủy sản Sen vàng Tự Phát xã Chi Lăng. Năm 2020, huyện Quế Võ có thêm 12 xã, thị trấn đăng ký thêm nhiều sản phẩm mật ong, chuối các loại, rau hữu cơ, bưởi diễn…

Khoai tây – Một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Quế Võ

Triển khai Chương trình OCOP, huyện Quế Võ đã chú trọng vào công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, treo pano, áp phích; xây dựng Website về Chương trình OCOP để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các hoạt động, các sản phẩm; củng cố, nâng cấp, tổ chức lại các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực hoạt động cho các HTX; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn…

Năm 2019 huyện Quế Võ có 6 sản phẩm được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt là sản phẩm OCOP cấp tỉnh bao gồm: Gạo tẻ thơm xã Đại Xuân của HTX nông sản an toàn xã Đại Xuân; Dưa gang muối, khoai tây cấp đông của HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Trường An, xã Bằng An (HTX Trường An); Khoai tây của HTX Nông nghiệp xanh Quế Võ; Gốm Ngọc của hộ kinh doanh Gốm Ngọc xã Phù Lãng; Sen củ của HTX sản xuất Nông sản – Thủy sản Sen vàng Tự Phát xã Chi Lăng.

Kết quả của Chương trình OCOP huyện Quế Võ có được trong năm 2019 sẽ là động lực để huyện thúc đẩy hơn nữa Chương trình này thời gian tới, cụ thể; huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP; tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về khoa học công nghệ, kinh tế, thị trường cho đội ngũ cán bộ quản lý và doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, các tổ chức sản xuất kinh doanh có sản phẩm tiềm năng. Tiếp tục rà soát, kiểm tra và lựa chọn các sản phẩm để đăng ký năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tính đến hết tháng 03/2020, huyện Quế Võ có thêm 12 xã, thị trấn đăng ký thêm sản phẩm, cụ thể; ở nhóm sản phẩm khoai tây có thêm xã Đại Xuân, Việt Thống, Việt Hùng, Yên Giả đăng ký; xã Châu Phong có 5 hộ dân đăng ký sản phẩm mật ong thiên nhiên; xã Cách Bi đăng ký nhóm sản phẩm chuối các loại; xã Yên Giả có thêm sản phẩm Rau hữu cơ của HTX Yên Thành thôn Phương Lưu và bưởi Diễn của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn thôn La Miệt; xã Đại Xuân có thêm sản phẩm táo xanh của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Liên thôn Xuân Hòa; Gạo tẻ thơm có thêm xã Hán Quảng đăng ký.

Chương trình OCOP nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Quế Võ

Là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Quế Võ, khoai tây Quế Võ được công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2016, đến nay, có 3 HTX nông nghiệp cùng hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn được trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Khoai tây Quế Võ”. Kết quả này có được là do huyện Quế Võ đã từng bước phát huy nhãn hiệu sản phẩm khoai tây của huyện thông qua việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện để khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây khoai tây chuyên canh, quy mô vùng, áp dụng quy trình sản xuất sạch, theo hướng VietGAP và đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn của Chương trình OCOP; chủ động sản xuất, cung cấp đủ nguồn giống chất lượng cho nông dân; tăng cường hoạt động kết nối tiêu thụ và quảng bá để sản phẩm khoai tây Quế Võ có thể đến tay đông đảo người tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu.

Song song với việc nâng cao chất lượng, thời gian tới, huyện Quế Võ sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để mở rộng thị trường tiêu thụ khoai tây như tích cực quảng bá, giới thiệu thương hiệu khoai tây Quế Võ trên các phương tiện thông tin đại chúng; hình thành các điểm bán khoai tây tại các hội chợ, chợ đầu mối và cả trên trục đường 18…

Ngoài khoai tây, mặt hàng gạo cũng được huyện Quế Võ đưa vào Chương trình OCOP, trong đó có gạo tẻ thơm (gạo Nàng xuân) do HTX nông sản an toàn Đại Xuân sản xuất. Gạo Nàng xuân được HTX sản xuất theo quy trình nông sản sạch và đã được cấp chứng nhận sản xuất nông sản an toàn. Nhờ đó, sản phẩm gạo Nàng xuân của huyện Quế Võ không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… Tham gia Chương trình OCOP của huyện Quế Võ, sản phẩm gạo Nàng Xuân của HTX nông sản an toàn Đại Xuân sẽ có cơ hội nâng cao chất lượng, ngày càng vươn xa.

Nguồn: VITIC tổng hợp