80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu. Ảnh minh hoạ |
Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đóng vai trò lớn trong việc gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình nhằm tạo chính sách để phát triển thương hiệu nông sản như: Chương trình sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 – 2030.
Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định phát triển 3 cấp độ thương hiệu gồm: Thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực quốc gia; thương hiệu nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm OCOP với nhóm nông sản quy mô nhỏ.
Tuy nhiên đến nay, rất ít nông sản chủ lực quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, chưa có một hành lang pháp lý chung về việc sử dụng tên gọi địa danh quốc gia Việt Nam để đăng ký bảo hộ với các sản phẩm nông sản chủ lực cấp quốc gia.
80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu
Theo báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2023 của Việt Nam đạt 53,01 tỉ USD, thặng dư thương mại là 12,07 tỉ USD.
Trong đó, 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Sáu nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD. Tuy nhiên, 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thương hiệu nông sản Việt Nam vẫn bị xâm phạm ở nước ngoài như ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột…
Góp ý tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam cần phải có trọng tâm, trọng điểm, phải thể hiện sản phẩm đó là tiêu biểu cho quốc gia chứ không nên làm dàn trải.
Kỹ sư Hồ Quang Cua – “cha đẻ” của thương hiệu Gạo ST25 đã từng trải qua chặng đường gần 4 năm đối mặt với liên tục những sự cố liên quan đến việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nước cũng như nhiều quốc gia trên thế giới sau khi gạo ST25 đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019.
6 tháng sau khi đoạt giải, tại Mỹ đã có doanh nghiệp đăng ký độc quyền từ khóa ST25, nếu không chặn, quốc gia này sẽ bảo hộ lan ra nhiều nước trên thế giới. Điều này đồng nghĩa, Gạo ST25 của Việt Nam khó có cơ hội xuất hiện trên thương trường gạo thế giới.
Trải qua khoảng thời gian dài kiên nhẫn làm việc với luật sư quốc tế, tháng 12/2023, Mỹ đã chính thức công nhận bảo hộ nhãn hiệu Gạo ST25 của ông Cua.
Từ thực tế này liên hệ đến vấn đề xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam, ông Cua cho rằng, cần lựa chọn những sản phẩm “tinh túy” của quốc gia để xây dựng có trọng tâm, trọng điểm. Có những tiêu chuẩn, quy chuẩn nghiêm ngặt, khắt khe để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Không riêng với mặt hàng lúa gạo, các mặt nông thủy sản nói chung vẫn rơi vào thế khó trong việc xây dựng thương hiệu.
Nhiều đại biểu cũng đồng tình, thương hiệu quốc gia cho mặt hàng nông sản phải gắn với tiêu chuẩn chất lượng. Về mặt chính sách, Bộ NN-PTNT cần quan tâm hệ thống, kiện toàn lại các hiệp hội ngành hàng để thực hiện việc quản lý, khai thác, xây dựng thương hiệu quốc gia.
Đồng thời, các địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, lựa chọn sản phẩm nào là chủ lực để gắn với việc thực hiện bảo hộ, chỉ dẫn địa lý.
Hoàn thiện chính sách xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nhãn hiệu, thương hiệu của các sản phẩm ở nhiều cấp độ khác nhau. Mỗi một vùng, một địa phương, doanh nghiệp đều xây dựng thương hiệu ở góc độ khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề quản lý vẫn đang còn những bất cập, có nhiều nhãn hiệu được cấp sở hữu trí tuệ nhưng vẫn chưa thể định hướng và phát huy giá trị của sản phẩm.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, có nhiều vấn đề đặt ra trong xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu như vấn đề tổng thể quốc gia; cơ chế khuyến khích để phát triển và cơ chế quản lý thương hiệu. Vì vậy, cần phải làm rõ từng vấn đề để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
“Có rất nhiều vấn đề đặt ra trong xây dựng thương hiệu, chúng ta có thể nói câu từ về thương hiệu, nhãn hiệu rất là dễ nhưng khi đi vào làm có nhiều vấn đề đặt ra. Có ba vấn đề đang đặt ra, vấn đề kế hoạch tổng thể quốc gia như thế nào, vấn đề để phát triển thương hiệu như thế nào và thứ ba cơ chế quản lý thương hiệu này như thế nào. Đi vào mặt hàng nông sản thì rất nhiều mặt hàng nông sản thì từng cái mặt hàng đó phát triển ở chiến lược tổng thể như thế nào, vấn đề phát huy giá trị như thế nào, vấn đề ai quản lý thương hiệu đó” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, giao cho Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường cùng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tham mưu xây dựng Nghị định về quản lý và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam để trình Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc xây dựng Nghị định này phải theo chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản, từ khâu chọn giống, gieo trồng đến lúc ra sản phẩm, đăng ký chất lượng quốc gia và quốc tế. Từ đó, phân định được trách nhiệm của từng cơ quan Bộ, ngành.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua Cần Thơ đã tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho tập thể, cá nhân. Ngoài ra, địa phương đã triển khai phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ các giống lúa OM của Viện lúa ĐBSCL; xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP; áp dụng thí điểm mô hình quản trị tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, do đặc thù sản xuất nông nghiệp hiện nay nhỏ lẻ nên việc xây dựng thương hiệu còn gặp khó khăn; người sản xuất chưa quan tâm đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản; công tác quản lý và chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho nông sản vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, các cơ quan liên quan phối hợp chưa chặt chẽ trong việc xây dựng các chuỗi giá trị nông sản.
“Cùng tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất, nâng cao vai trò quản lý của nước của ngành đối với việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản trong thời gian tới. Kết quả tại hội thảo sẽ giúp ngành đưa ra được các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng mức cho các địa phương và các doanh nghiệp, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản trong thời gian qua” – ông Nguyễn Ngọc Hè nêu ý kiến.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển thương hiệu nông sản là xây dựng hình ảnh trong nhận thức của thị trường, thể hiện giá trị cốt lõi và sự khác biệt của sản phẩm nông sản, là định hướng quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đảm bảo tính đồng bộ, chuyên nghiệp, dài hạn và bền vững.
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản cần được triển khai một cách đồng bộ, phù hợp với các định hướng phát triển sản phẩm, phát triển thị trường và quảng bá xúc tiến, hướng đến các thị trường và phân khúc thị trường.
Việc phát triển thương hiệu nông sản quốc gia trên cơ sở phát triển các thương hiệu vùng, miền, địa phương, thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương và các doanh nghiệp để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu ứng lan tỏa cao trong xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.