Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ…
Triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng cùng với việc phát huy thế mạnh của một quốc gia nằm trong vành đai nội chí tuyến, có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp mang bản sắc riêng của các tiểu vùng sinh thái đất thấp, đồi núi, cao nguyên và ven biển, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những cường quốc lớn mạnh về phát triển nông sản. Thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam ngày càng được mở rộng khi các mặt hàng nông sản đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ… được triển khai đem lại giá trị hàng hóa lớn, thân thiện môi trường.
Trong 5 năm 2016 – 2020, nông nghiệp nước ta đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng. Ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị – xã hội và phát triển đất nước. Với đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (20%), nông nghiệp sẽ tiếp tục đóng một vai trò đáng kể trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nước ta.
Thị trường nông sản Việt hiện nay
Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập và toàn cầu hóa với các hiệp định thương mại tự do (FTA). Với năng lực tốt về cung, cùng với quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường nông, lâm, thủy sản toàn cầu; vươn lên trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản thế giới về quy mô và phạm vi thương mại.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính trong quý I/2021, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng ghi nhận, lượng nông sản xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam đều tăng mạnh. Cụ thể, thị trường Mỹ tăng 45,8%, Trung Quốc tăng 39,5%, Hàn Quốc tăng 9,5%, Nhật Bản tăng 3,4%,…
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng trong việc tích cực mở rộng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, chế biến; kịp thời thay đổi, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của nước ta đã đạt những kết quả tích cực, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của nền kinh tế cả nước, đặc biệt đã tạo được việc làm, thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình tiêu thụ nông sản xuất khẩu gặp khó khăn, trong đó có các vướng mắc kỹ thuật về kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, truy xuất nguồn gốc…
Cùng với đó, nhiều năm qua, công nghiệp chế biến đã làm nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, đầu tư cho công nghệ chế biến còn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp. Hiện nay, 20% đến 30% nông sản trong nước được chế biến xuất khẩu, do đó các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng vẫn thấp hơn so với các nước khác.
Mặt khác, hầu hết nông sản Việt chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, thậm chí, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Tương tự, ở trong nước, cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Đây là bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường cả trong và ngoài nước còn yếu và chịu nhiều thiệt thòi.
Do vậy, bên cạnh các giải pháp vẫn được triển khai thực hiện như trước đây như: gia tăng hàm lượng chế biến, đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy cách đóng gói…, việc đánh giá chính xác nhu cầu, khả năng tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước và của nước nhập khẩu, việc đấu tranh với các rào cản bất hợp lý của các nước nhập khẩu nhằm “vô hiệu hóa” các lợi thế ta có được từ các FTA, từ đó đề xuất và thực hiện các biện pháp, giải pháp thiết thực nhằm góp phần tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là đối với các nông sản khi vào chính vụ thu hoạch.
Đẩy mạnh, tạo điều kiện góp phần đưa Nông sản Việt đi xa hơn, rộng hơn
Nâng cao vị thế của hàng nông sản Việt Nam trên toàn thế giới không còn là vấn đề mới. Ngày nay, khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc sản xuất giản đơn không còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng phức tạp của thị trường buộc chúng ta phải tiến đến xu hướng thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp. Thương mại hóa nông sản là bước đầu tiên để vươn ra thị trường thế giới rộng lớn.
Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hỗ trợ việc tạo thương hiệu cho từng sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng nhiều ơ quan, đơn vị triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể.
Tiêu biểu trong đó là việc xây dựng và triển khai chương trình OCOP. Việc đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò quan trọng, đã và đang phát huy được hiệu quả vô cùng lớn, là “hạt nhân” tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khối lượng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho nông sản, việc tiếp thị, đưa các sản phẩm nông sản sâu rộng ra khắp mọi miền đất nước cũng như thế giới thông qua các kênh thông tin truyền thông cũng được triển khai mạnh mẽ.
Không chỉ được biết đến là nơi kết nối, hội tụ, chia sẻ và tôn vinh những giá trị tiếp thị sáng tạo chuẩn mực của ngành marketing Việt Nam và thế giới, Hội Marketing Việt Nam còn là Nhà tổ chức kết nối và đồng hành hiệu quả cùng các nhà tiếp thị, doanh nghiệp thông qua các dự án, sự kiện có sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức chuyên gia. Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực marketing Việt Nam thông qua các hoạt động như dự án Chuẩn nghề và Chuẩn đào tạo Marketing hiện đại.
Với vai trò và sứ mệnh to lớn của mình, Hội Marketing Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ thực hiện chuyên đề nâng cao giá trị, chất lượng và đẩy mạnh đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới.
Tự hào là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Marketing Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị vinh dự là một trong những kênh truyền thông chủ đạo góp sức hỗ trợ thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển Nông sản Việt sâu rộng trên thị trường.
Không chỉ là kênh truyền thông quan trọng, đa chiều, thông tin nhanh, giúp cho nông dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp mà Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị còn góp phần phát triển sản xuất, nâng cao giá trị nông sản từ việc tuyên truyền đến người dân về sản xuất nông sản an toàn, thông tin kịp thời về thị trường, tiến bộ kỹ thuật, cách làm mới, sản phẩm mới, những điển hình tiên tiến trong sản xuất, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Là một trong những kênh thông tin quan trọng và không thể thiếu, báo chí nói chung và các kênh thông tin truyền thông các nói riêng đã góp phần tạo nên niềm tin cũng như giá trị thương hiệu của các sản phẩm xuất khẩu, sẽ làm bàn đạp cho thị trường và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Sự phối hợp giữa các đơn vị báo chí truyền thông trong và ngoài nước sẽ là nền tảng cho giai đoạn chuyển mình của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị Nông sản Việt trên thị trường thế giới
Lê Thủy