Bùi Thị Cẩm Tú, Phạm Thị Trầm, Nguyễn Thị Hằng (*)
Tóm tắt: Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang là xu hướng phát triển trên thế giới trước nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng cũng như việc đảm bảo sự bền vững cho môi trường. Sản xuất NNHC ở Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt là trong 10 năm gần đây. Nhiều tỉnh thành trong cả nước đã áp dụng và triển khai hiệu quả các mô hình NNHC. Bài viết tập trung phân tích những cơ hội, thuận lợi, khó khăn và thách thức đối với việc phát triển NNHC ở Việt Nam hiện nay nhằm đưa ra những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy phát triển NNHC ở Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, Việt Nam.
DEVELOPMENT OF ORGANIC AGRICULTURE IN VIETNAM
Abstract: An organic agriculture is a growing trend in the world to meat the demand of using clean and safe products for consumer’s health as well as the sustainability for environment. The organic agriculture production in Vietnam is developing strongly, especially in the last 10 years. Many provinces and cities in the country have applied and implemented effectively the organic agriculture models. The paper focuses on analysing the opportunities, advantages, disadvantages and challenges for the organic agriculture development to provide effective solutions to promote that in Vietnam in the near future.
Keywords: Agriculture, organic agriculture, Vietnam.
1. Đặt vấn đề
Xu hướng chuyển từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ là tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) với việc không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất đã đảm bảo được sự an toàn của các sản phẩm nông nghiệp với sức khỏe con người. Không chỉ thế, NNHC còn là phương thức sản xuất đảm bảo sự an toàn cho môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.
Việt Nam có nền nông nghiệp truyền thống với lịch sử phát triển từ hàng nghìn năm đã đem lại cho người nông dân nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc ứng dụng phương thức canh tác NNHC vào sản xuất nông nghiệp. Điều kiện tự nhiên, khí hậu của Việt Nam rất thuận lợi cho việc phát triển NNHC. NNHC đang có xu hướng phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Từ năm 2007 đến năm 2014, sau 7 năm, diện tích và quy mô sản xuất NNHC ở nước ta đã tăng lên gần 4 lần1. Tuy nhiên, quá trình phát triển NNHC ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức cần tháo gỡ: nguồn đất, nước phục vụ NNHC còn ít do đất nông nghiệp và nguồn nước tưới ngày càng bị ô nhiễm; quy trình và kỹ thuật sản xuất yêu cầu khắt khe; năng suất cây trồng và vật nuôi thấp do nguyên tắc của NNHC là hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất; giá thành sản phẩm cao chỉ phù hợp với phân khúc khách hàng có thu nhập cao; chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển NNHC vẫn chưa cụ thể; việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm NNHC vẫn phải thông qua các cơ quan, tổ chức nước ngoài… Nghiên cứu được thực hiện nhằm tổng quan quá trình phát triển NNHC trong ngành trồng trọt, phân tích những khó khăn, thách thức đối với sản xuất NNHC ở Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy tiềm năng phát triển NNHC ở nước ta hiện nay.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phương pháp thu thập, phân tích tài liệu: Bài viết sử dụng các số liệu thu thập từ các công trình nghiên cứu; các bài báo khoa học và các website chính thức của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến NNHC.
2.2. Phương pháp phỏng vấn sâu: Các kết quả nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu để khai thác những thông tin định tính về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển NNHC ở Việt Nam hiện nay.
2.3. Phương pháp phân tích SWOT: Bài viết sử dụng phương pháp SWOT để phân tích những thuận lợi và cơ hội trong việc phát triển NNHC tại Việt Nam, đồng thời, chỉ ra những khó khăn và thách thức mà NNHC đang gặp phải nhằm đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc phát triển NNHC ở nước ta trong thời gian tới.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Một số nội dung cơ bản về NNHC
Liên đoàn Quốc tế về NNHC (International Federation of Organic Agriculture Movements – IFOAM) đưa ra mục tiêu và nguyên tắc của NNHC như sau2:
– Mục tiêu của NNHC là đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Đó là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hoá chất độc hại nào như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hoá chất cũng như các loại phân hoá học. Sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
– Nguyên tắc đối với sản xuất NNHC:
+ Tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc;
+ Dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất, cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh khác;
+ Tối đa hóa sức khỏe và năng suất của đất đai, cây trồng, vật nuôi và đời sống con người;
Như vậy, NNHC là hình thức canh tác duy trì sự bền vững của đất, hệ sinh thái và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con người dựa trên việc khai thác hợp lý hệ sinh thái phù hợp với các điều kiện cụ thể của địa phương thay vì sử dụng các hóa chất để tác động vào hệ sinh thái.
Ở Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ đã công bố Bộ TCVN 11041:2017 nông nghiệp hữu cơ bao gồm 4 phần: Phần 1/ Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Phần 2/ Trồng trọt hữu cơ; Phần 3/ Chăn nuôi hữu cơ; Phần 4/ Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.
Bộ tiêu chuẩn này có vai trò quan trọng cho mọi thành phần tham gia, bảo vệ người tiêu dùng tránh bị lừa dối, tránh bị gian lận trong thương mại và tránh công bố sản phẩm không đủ căn cứ.
3.2. Thực trạng phát triển NNHC tại Việt Nam
3.2.1. Tổng quan tình hình phát triển
Sản xuất NHHC có tính đến các yếu tố đảm bảo hệ sinh thái cây trồng vật nuôi, an toàn cho người sử dụng mà không dùng bất cứ loại hóa chất độc hại nào theo khái niệm của IFOAM bắt đầu được thực hiện ở Việt Nam từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, khi một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến nước ta nghiên cứu và đầu tư các dự án sản xuất hữu cơ.
Đầu tiên là dự án trồng chè hữu cơ tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) dưới sự hỗ trợ của Tổ chức CIDCE. Tiếp đó là dự án rau an toàn, lúa, cam, bưởi, chè, cá… tại Hà Nội (1998 – 2004) do Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Châu Á của Đan Mạch (ADDA) hỗ trợ. Đến năm 2004, dự án của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng tổ chức ADDA đã triển khai thực hiện thành công NNHC cho nhiều nhóm nông dân tại Lào Cai, Tuyên Quang, Hòa Bình… Các sản phẩm hữu cơ được dự án hỗ trợ bao gồm: rau hữu cơ ở Lương Sơn – Hòa Bình, Thanh Xuân – Sóc Sơn, Hà Nội; chè shan tuyết tại Bắc Hà, Lào Cai; cam Hàm Yên, Tuyên Quang… 3
Năm 2005, tổ chức ADDA tiếp tục tài trợ “Dự án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ”. Dự án được phối hợp thực hiện với Hội nông dân Việt Nam từ tháng 11/2005 đến tháng 10/2012 tại các tỉnh phía bắc bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Tĩnh. Dự án đã thành lập hơn 80 nhóm nông dân sản xuất hữu cơ trên các khu vực đủ điều kiện về môi trường và con người. Thu nhập hàng tháng của người nông dân tham gia dự án tăng từ 50-100%.4
Về diện tích, quy mô của NNHC, các số liệu thống kê cho thấy, sản xuất NNHC đang có xu hướng phát triển nhanh ở Việt Nam, đặc biệt là từ năm 2014 trở lại đây.
Nhìn vào biểu đồ trên có thể thấy, sản xuất NNHC ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam. Giai đoạn 5 năm (từ năm 2007 đến 2011), diện tích NNHC tăng gần gấp đôi, từ 12,12 nghìn ha lên 23,40 nghìn ha; giai đoạn 2012-2016, diện tích NNHC ở nước ta cũng tăng hơn gấp 2 lần, từ 36,29 ha năm 2012 lên 77 nghìn ha năm 2016. Trong cả quá trình 10 năm từ 2007 đến 2016, diện tích NNHC đã tăng hơn 6,35 lần.
Xuất phát từ nhu cầu của thị trường và sự chủ động của người dân làm NNHC, đến nay, cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất – tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 33/63 tỉnh thành đã triển khai sản xuất NNHC với nhiều mô hình có hiệu quả, như: trang trại rau củ Organik Đà Lạt, nhà máy chế biến dầu dừa Phú Hưng ở Bến Tre, nhà máy chè Cao Bồ ở Vị Xuyên – Hà Giang, nông trại Viễn Phú sản xuất gạo Hoa sữa và sản phẩm handmade ở Cà Mau…6
3.2.2. Nghiên cứu trường hợp sản xuất NNHC tại Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt (thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt)
Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt thành lập từ năm 2004 được đặt trong một vùng rừng riêng biệt ở xã Xuân Thọ với nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất hữu cơ. Tổng diện tích canh tác rau hữu cơ của công ty tính đến năm 2017 là 3,7 ha. Trong đó, công ty đã xây lắp 1 ha nhà kính (kinh phí đầu tư hệ thống nhà kính là 220 triệu đồng/500 m2 trồng xen canh và luân canh hơn 10 loại rau chủ lực. Còn lại 2,7 ha diện tích đất ngoài trời trồng luân canh các loại hoa màu bắp, đậu, bí… và dành riêng một khu vực vùng đệm trồng phủ xanh cây hoa ban cùng cây ăn trái như xoài, chanh…7
– Kỹ thuật canh tác: cách thức sản xuất mà công ty áp dụng là canh tác hữu cơ kết hợp công nghệ cao (nhà kính, hệ thống tưới tự động nhỏ giọt và phun sương). Việc sản xuất và đóng gói các sản phẩm được thực hiện theo chu trình khép kín với hệ thống nhà máy sơ chế nằm gần khu vực sản xuất. Kỹ thuật canh tác được doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ, từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch đều được ghi chép để truy xuất nguồn gốc nếu có vấn đề nảy sinh trong quá trình tiêu dùng sản phẩm. Để tiết kiệm nước tưới, công ty đã sử dụng công nghệ tưới tự động nhỏ giọt kết hợp với tưới phân hữu cơ hòa tan và hệ thống tưới phun sương. Phụ phẩm nông nghiệp được ủ làm phân compost bón cho cây trồng. Ngoài việc trồng cây, cỏ, rau thơm, hoa nhiều sắc màu đối kháng; tạo ra môi trường sinh thái đa dạng cho thiên địch sinh sôi phát triển để diệt trừ sâu bệnh, công ty còn sử dụng các chế phẩm sinh học (các loại thuốc BVTV có nguồn gốc hữu cơ) để đảm bảo năng suất cho cây trồng. Tuy nhiên, theo trao đổi của công ty với đoàn khảo sát, việc sử dụng các chế phẩm này phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt với chi phí tốn kém.
“Theo quy định, mỗi lần phun phải cách từ 2-3 ngày. Về mặt lý thuyết, sau mỗi đợt phun chế phẩm sinh học như vậy, phải cho đất nghỉ 3 năm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 3 năm đó, nếu mẫu đất gửi đi kiểm tra đạt yêu cầu về mức độ an toàn thì vẫn được sử dụng chế phẩm sinh học. Nhưng khó khăn lớn đối với doanh nghiệp đó là kinh phí để gửi các mẫu đất đi kiểm tra. Chi phí cho các mẫu gửi đến các cơ quan chức năng kiểm tra là 120 triệu đồng/mẫu. Chi phí cho các mẫu mời các cán bộ đến doanh nghiệp kiểm tra khoảng 72 triệu đồng/mẫu”
(PVS – Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt).
– Hiệu quả kinh tế: do có giá trị cao về đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nên giá thành bán các sản phẩm trên thị trường cao hơn khá nhiều so với các sản phẩm nông nghiệp khác.
“Trồng rau hữu cơ dù năng suất thấp, chăm sóc cầu kỳ nhưng do mức độ an toàn và sự hiếm có trên thị trường nên sản xuất bao nhiêu là có người đặt và thu mua bấy nhiêu dù giá bán các sản phẩm thường cao hơn gấp 2 lần so với các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và cao hơn 3-4 lần so với các sản phẩm nông nghiệp canh tác đại trà…” (PVS – Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt).
Sản xuất NNHC kết hợp công nghệ cao đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, quá trình sản xuất của doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc mở rộng diện tích, quy mô canh tác. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin/cấp giấy chứng nhận mẫu đất, sản phẩm NNHC định kỳ, tiếp cận các nguồn vốn (việc vay vốn từ các ngân hàng thủ tục rườm rà, không thể lấy tài sản là cơ sở hạ tầng trên đất để thế chấp vay vốn) và mở rộng diện tích canh tác (hiện nay tỉnh Lâm Đồng cũng chưa có quy hoạch, kế hoạch hình thành các vùng sản xuất riêng biệt cho mô hình sản xuất này).
“Mặc dù kinh phí gửi các mẫu đất đi kiểm tra độ an toàn sau những đợt phun các chế phẩm sinh học để chống mầm hại, dịch bệnh cao nhưng doanh nghiệp không nhận được sự giúp đỡ về việc kiểm tra, thanh tra từ chính quyền địa phương. Doanh nghiệp cũng không được tiếp cận nguồn vốn vay để sản xuất NNHC cho các doanh nghiệp nhỏ. Về đất đai, doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất nhưng do sợ ảnh hưởng đến rừng nên chính quyền địa phương chưa cho phép” (PVS – Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt).
3.3. Đánh giá thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đối với việc phát triển NNHC tại Việt Nam
3.3.1. Thuận lợi
– Thuận lợi về điều kiện tự nhiên: Nước ta có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm rất thuận lợi cho việc chuyển hóa các chất hữu cơ thành những khoáng chất phục vụ cho quá trình sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ của nước ta cũng khá dồi dào. Hàng năm, lượng phụ phẩm trong nông nghiệp khoảng 60-70 triệu tấn, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn8. Ngoài ra, nước ta có lượng phân bùn dồi dào có giá trị để sản xuất chế biến phân bón hữu cơ.
– Thuận lợi về nguồn lao động: Nguồn lao động ở nước ta khá dồi dào với nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống là một lợi thế lớn trong sản xuất NNHC vì ngành nông nghiệp đòi hỏi nhiều lao động thủ công tỉ mỉ trong từng công đoạn của quá trình sản xuất.
– Thuận lợi về mặt chính sách: Nhằm thúc đẩy phát triển NNHC, các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự quan tâm và đầu tư hơn cho NNHC. Cụ thể, Bộ KH&CN đã ban hành và công bố bộ Tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ quốc gia (TCVN 11041:2017) với các tiêu chuẩn liên quan đến sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm NNHC, trồng trọt hữu cơ và chăn nuôi hữu cơ… Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP (ngày 29/8/2018) về NNHC, trong đó quy định những chính sách khuyến khích phát triển NNHC: (1) ưu tiên kinh phí nghiên cứu khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc; (2) cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ, hoặc vật tư đầu vào phục vụ sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư; (3) hỗ trợ 100% kinh phí về xác định vùng đất đủ tiêu chuẩn và chi phí cấp lần đầu (hoặc cấp lại) Giấy chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn hữu cơ cùng nhiều cơ chế chính sách khác về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất, chi phí giống kháng sâu bệnh, sử dụng phân bón hữu cơ…
3.3.2. Khó khăn
– Khó khăn về đất nông nghiệp và nguồn nước phục vụ sản xuất NNHC: Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón từ hóa chất là một yêu cầu thiết yếu. Nhưng việc sử dụng quá liều lượng quy định gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, hệ sinh thái suy thoái… Trong khi đó, sản xuất NNHC yêu cầu về vùng đất, nguồn nước tưới tiêu không bị ô nhiễm, không tồn hóa chất. Vì vậy, việc tìm kiếm, xử lý, cải tạo các vùng đất canh tác và nguồn nước đáp ứng yêu cầu ban đầu cho sản xuất NNHC còn gặp nhiều khó khăn.
– Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để sản xuất NNHC: Hiện nay, nông dân và doanh nghiệp sản xuất NNHC đang rất khó tiếp cận các nguồn tín dụng từ các ngân hàng cũng như nguồn vốn chính sách do các tiêu chí, điều kiện cho vay khắt khe, thủ tục rườm rà.
– Khó khăn do yêu cầu kỹ thuật: Quy trình sản xuất khắt khe, luôn phải tuân thủ các quy định theo tiêu chuẩn nên các yếu tố đầu vào cho NNHC cũng phải đảm bảo. Ngay từ khi bắt đầu bước vào sản xuất, cần phải có khoảng thời gian khá dài để cải tạo đất, lựa chọn các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ thảo mộc, sinh học. Do vậy, người sản xuất buộc phải sử dụng nhiều công sức lao động hơn (kiểm tra thường xuyên chu kì tăng trưởng của cây trồng để kịp thời cung cấp nước tưới, phân bón hữu cơ (phân hữu cơ truyền thống, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng), làm đất để đảm bảo duy trì sự tăng trưởng cũng như hạn chế dịch bệnh cho các loại cây trồng và vật nuôi.
– Khó khăn do năng suất cây trồng và vật nuôi từ sản xuất NNHC thấp: Nguyên tắc của NNHC chỉ được sử dụng thuốc BVTV và phân bón có nguồn gốc sinh học, hữu cơ nên tác dụng của các chế phẩm đó đối với việc đảm bảo sinh trưởng và phòng, tránh dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi không nhanh, mạnh như các loại phân bón và thuốc BVTV từ hóa chất. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sản xuất NNHC thấp hơn nhiều so với các thực hành nông nghiệp khác.
– Khó khăn do NNHC ở Việt Nam vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch cụ thể: NNHC ở nước ta hiện nay vẫn chủ yếu phát triển dưới dạng các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hoặc sản xuất với quy mô hộ gia đình. Mặt khác, do chưa có quy hoạch và định hướng cụ thể để phát triển NNHC ở những vùng tập trung, nên sản xuất NNHC còn xen kẽ giữa những vùng sản xuất nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP và vùng canh tác thông thường.
3.3.3. Cơ hội
– NNHC là xu hướng tất yếu để đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững: Trong những năm gần đây, việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV tràn lan, chủ yếu với mục đích tăng năng suất cây trồng nhưng đã gây ra những tác động, ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái; môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; nguy hại đến con người. Vì vậy, NNHC sẽ là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp tương lai. Sản xuất NNHC với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ cho đất, việc phát triển NNHC và sử dụng sản phẩm hữu cơ góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì, bảo dưỡng hệ sinh thái, sức khỏe của con người. Đặc biệt, trong bối cảnh BĐKH đang có những ảnh hưởng ngày càng rõ rệt đối với ngành nông nghiệp, việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình NNHC với việc luân canh các loại cây trồng, không sử dụng các hóa chất độc hại, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; canh tác đúng cách, đúng thời điểm để đảm bảo dinh dưỡng và sự cân bằng của đất làm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện và đảm bảo cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức tài nguyên.
– Xu hướng lựa chọn sản phẩm NNHC của người tiêu dùng: An toàn vệ sinh thực phẩm đang là tiêu chí hàng đầu của đa số người tiêu dùng trước tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng các hóa chất độc hại. Vì thế người tiêu dùng đang dần có xu hướng thay đổi thói quen, bắt đầu quan tâm tới chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe hơn trước đây. Thêm vào đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ngày càng tăng sẽ thúc đẩy thói quen mua sắm sản phẩm chất lượng cao và đảm bảo. Ngoài ra, thị trường nước ngoài ngày càng ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ thì việc phát triển NNHC thực sự là cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam.
– Cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nền NNHC phát triển: Theo Viện Nghiên cứu NNHC (FiBL) và Liên đoàn quốc tế các phong trào NNHC – IFOAM (2016), đến cuối năm 2014 trên thế giới có 172 nước sản xuất NNHC, với tổng diện tích 43,7 triệu ha (chiếm 0,99% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu)9. Với vị thế là một quốc gia đi sau trong xu thế phát triển NNHC, Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, tìm hiểu về thị trường tiềm năng các sản phẩm của các nước đi trước, đặc biệt các quốc gia có tính chất tương đồng về vị trí địa lí, điều kiện khí hậu như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…
3.3.4. Thách thức
– Về mặt chính sách hỗ trợ: Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó có NNHC. Việc thúc đẩy phát triển NNHC cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, các chính sách cụ thể về định hướng chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về NNHC nói riêng, các chính sách và pháp luật liên quan đến NNHC ở Việt Nam nói chung còn thiếu và yếu.
– Về mặt thị trường:
+ Thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại sản phẩm đóng nhãn, mác thực phẩm hữu cơ, nhưng chưa thật sự phù hợp với tiêu chuẩn về NNHC, không đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm khiến người tiêu dùng trong nước khó phân biệt được sản phẩm hữu cơ thực sự hay sản phẩm không hữu cơ, dẫn đến tâm lý hoang mang, lo ngại khi mua các sản phẩm NNHC.
+ Giá thành các sản phẩm từ sản xuất NNHC luôn cao hơn nhiều so với các sản phẩm nông sản thông thường hoặc nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGap hay GlobalGap. Do vậy, thực phẩm hữu cơ chủ yếu phục vụ cho nhóm khách hàng có thu nhập cao, các nhà hàng, khách sạn lớn… hoặc phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Nhật Bản… Việc mở rộng kênh phân phối cho nhóm khách hàng có thu nhập thấp hơn gặp nhiều khó khăn.
“Giá thành sản phẩm cao nên thường bán cho các hộ gia đình có thu nhập cao. Sản phẩm hữu cơ chủ yếu phục vụ cho khách hàng có thu nhập cao nên khó bán cho phân khúc khách hàng trung bình” (PVS – Chuyên viên Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng).
+ Mặc dù thị trường quốc tế rất ưa chuộng các sản phẩm từ sản xuất NNHC nhưng để xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, nông sản của Việt Nam phải đạt những tiêu chuẩn rất khắt khe. Đây chính là rào cản lớn cho việc tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu dùng của các sản phẩm NNHC.
+ Sự liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm NNHC chưa có. Người sản xuất, doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
– Thách thức về chứng nhận sản phẩm hữu cơ trong nước: Tại Việt Nam, các sản phẩm hữu cơ được chấp nhận theo hệ thống chứng nhận PGS (Participatory Guarantee System: Hệ thống đảm bảo cùng tham gia) nhằm đảm bảo có sự tham gia của ba bên: người sản xuất – người bán hàng – người tiêu dùng; quy định về ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận Chất lượng TQC (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cũng được phép cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn. Việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế vẫn còn phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài với kinh phí phải chi trả cao, không phù hợp với quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ hiện nay.
– Thách thức từ tình hình nghiên cứu và đào tạo về NNHC: Các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu về nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc nhân giống cây giống, vật nuôi và các kỹ thuật sản xuất phù hợp, tăng năng suất cho cây trồng, vật nuôi, là đòn bẩy thúc đẩy cho nghiên cứu về NNHC. Các thông tin nghiên cứu, đào tạo, tập huấn về sản xuất hữu cơ trên các tạp chí trong và ngoài nước hiện đang còn hạn chế.
– Thách thức do ảnh hưởng của BĐKH: Những thay đổi bất thường của thời tiết dẫn đến việc phát sinh nhiều dịch bệnh, ngập úng, thiếu nước tưới… làm năng suất cây trồng và vật nuôi suy giảm. Đây chính là một trong những thách thức căn bản đối với việc phát triển và mở rộng canh tác theo phương thức nông nghiệp hữu cơ.
4. Đề xuất giải pháp phát triển NNHC tại Việt Nam trong thời gian tới
Ở Việt Nam, sản xuất NNHC vẫn chỉ là những bước đầu với quy mô và phạm vi chưa lớn. Để phát triển NNHC vừa đảm bảo tính bền vững, đồng thời đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
– Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của sản phẩm hữu cơ tới người quản lý, người sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng; việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, chế biến, giám sát và chứng nhận sản phẩm NNHC.
– Giải pháp về chính sách: Các cơ quan nhà nước, Chính phủ cần ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất NNHC như quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ưu đãi cho thuê đất… Đồng thời có những chính sách hỗ trợ, quan tâm tới các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên quan tới phân bón và thuốc BVTV có nguồn gốc hữu cơ, sinh học… Yếu tố thị trường có vai trò quan trọng trong phát triển NNHC. Vì vậy, các Bộ/ngành liên quan cần quan tâm, tìm hiểu thị trường tiềm năng giúp doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu và mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm.
– Giải pháp về khoa học và công nghệ: Trong công tác nghiên cứu và đào tạo cần thực hiện hệ thống các giải pháp sau:
+ Đánh giá lại quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ của các doanh nghiệp trên các phương diện: quản lý, chất lượng, thương mại sản phẩm… để tìm ra những khó khăn, đề xuất giải pháp phù hợp cho phát triển NNHC.
+ Nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam, để rút ra bài học trong việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp và chiến lược phát triển trong thời gian tới.
+ Nghiên cứu lựa chọn và điều chỉnh giống cây trồng, vật nuôi; cách thức, kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên (thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn) của từng vùng sinh thái.
+ Nghiên cứu triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất NNHC: Trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khó lường, gây ra nhiều bất lợi cho canh tác NNHC vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết do không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ thống phun nước tự động (nhỏ giọt hoặc phun sương), hệ thống cảm biến tự động… trong phát triển NNHC sẽ giúp giảm một cách đáng kể ảnh hưởng của thời tiết đến hoạt động sản xuất NNHC và giảm chi phí nhân công, từ đó đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như năng suất các sản phẩm NNHC.
– Giải pháp về hợp tác quốc tế: Cần có sự trao đổi kinh nghiệm, học tập, đào tạo nguồn nhân lực với các tổ chức quốc tế, các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, giúp các doanh nghiệp nước ta được giao lưu, học hỏi, tìm ra giải pháp cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và nền NNHC nói riêng thông qua việc kêu gọi sự đầu tư của các chương trình, dự án nước ngoài về NNHC; tổ chức các hội thảo, diễn đàn, hội nghị, các khóa tập huấn thúc đẩy hợp tác và trao đổi kinh nghiệm.
– Giải pháp khuyến khích sự đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất NNHC: Cần khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm NNHC; các mặt hàng thuốc BVTV và phân bón, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ. Đây sẽ là những doanh nghiệp có vai trò đầu tàu về việc ứng dụng những mô hình sản xuất hữu cơ chuẩn mực, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất đến các trang trại, hợp tác xã và hộ gia đình làm nông nghiệp./.
_______________________________
Ghi chú:
(*) Bùi Thị Cẩm Tú, Phạm Thị Trầm, Nguyễn Thị Hằng, Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
1 Tổ chức phát triển nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA) ở Việt Nam. Dẫn theo FiBL và IFOAM, 2016,
2 http://www.vietnamorganic.vn/danh–sach–tin2/269/nong–nghiep–huu–co–nguyen–tac–co–ban.html
3 Diễn đàn quốc tế “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – Phát triển và hội nhập”, ngày 15-16/12/2017, Hà Nội
4 http://www.vietnamorganic.vn/danh-sach-tin2/256/Du-án-Phát-triẻn-nong-nghiẹp-hũu-co.html
5 Tổ chức phát triển nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA) ở Việt Nam. Dẫn theo FiBL và IFOAM, 2016,
https://www.mard.gov.vn/Pages/dien–dan–phat–trien–nong–nghiep–huu–co–viet–nam.aspx,
https://laodong.vn/doi–song–xa–hoi/phat–trien–nong–nghiep–huu–co–nhieu–thuan–loi–lam–thach–thuc–630587.ldo
6 https://www.mard.gov.vn/Pages/dien-dan-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-viet-nam.aspx
7 Kết quả khảo sát của đề tài cấp Bộ “Phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng Tây Nguyên: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Lâm Đồng”, tháng 7/2017
8 http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/36528302-phat-trien-phan-bon-huu-co-de-co-nong-nghiep-sach.html
9 Nguyễn Văn Bộ, 2017, Sản xuất NNHC ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và những vấn đề cần quan tâm, Tạp chí khoa học & công nghệ Việt Nam số 7/2017, tr. 58-61
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diễn đàn quốc tế “”Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – Phát triển và hội nhập”, ngày 15-16/12/2017, Hà Nội
2. Nguyễn Văn Bộ, 2017, Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và những vấn đề cần quan tâm, Tạp chí khoa học & công nghệ Việt Nam số 7/2017, tr. 58-61
3. http://www.vietnamorganic.vn/danh–sach–tin2/269/nong–nghiep–huu–co–nguyen–tac–co–ban.html
4. http://www.vietnamorganic.vn/danh–sach–tin2/256/Du–án–Phát–triẻn–nong–nghiẹp–hũu–co.html
5. https://www.mard.gov.vn/Pages/dien–dan–phat–trien–nong–nghiep–huu–co–viet–nam.aspx,
6. https://laodong.vn/doi–song–xa–hoi/phat–trien–nong–nghiep–huu–co–nhieu–thuan–loi–lam–thach–thuc–630587.ldo
7. https://www.mard.gov.vn/Pages/dien–dan–phat–trien–nong–nghiep–huu–co–viet–nam.aspx
8. http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/36528302–phat–trien–phan–bon–huu–co–de–co–nong–nghiep–sach.html
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn, số 1(24) – Tháng 3/2019