Ngành Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế

Bên thềm xuân mới Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã trao đổi với báo chí về hoạt động của ngành trong năm 2023 và định hướng nhiệm vụ trong năm 2024. Theo đó, nội dung để ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế tiếp tục được khẳng định là mục tiêu theo đuổi của ngành trong thời gian tới.

Điểm sáng đáng chú ý của nông nghiệp 2023 chính là kích hoạt được tư duy kinh tế, tư duy thị trường trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có xuất khẩu nông lâm thủy sản.
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan (Ảnh: PV)

Theo Bộ trưởng, thành công trong xuất khẩu nông sản năm 2023 vừa qua một lần nữa khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp. Có lúc chúng ta đã nghĩ sản lượng đi đôi với việc đáp ứng thị trường và nâng cao thu nhập cho nông dân nhưng những bài học về “được mùa mất giá” đã cho chúng ta hiểu rằng sản xuất có thể ít hơn, tốt hơn nhưng lợi ích thu về từ thị trường sẽ lớn hơn. Rõ ràng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là thị trường, nếu không có thị trường thì chúng ta cũng không kích hoạt được sản xuất. Hiện nay, thị trường càng ngày càng khắc nghiệt, chúng ta không chỉ đi mở cửa thị trường mà phải hiểu được đặc tính của từng thị trường. Trước nay, chúng ta hay nghĩ thị trường là nơi buôn bán nhưng thực tế đó là những nơi có văn hóa tiêu dùng khác nhau. Có những nông sản chúng ta bán được trong nước nhưng không bán được ở nước ngoài, có những nông sản bán được ở thị trường châu Á nhưng không bán được ở thị trường châu Âu… và ngược lại.

Cũng theo Bộ trưởng, tư duy về tăng trưởng cần phải thay đổi, bởi nếu muốn đạt số tăng trưởng mà sản xuất bằng mọi giá thì sẽ sinh ra hệ lụy. Nói một cách đơn giản nhất là những gì đang làm thì phải làm cho tốt, đồng thời phải chuẩn bị cho những thứ tốt hơn nữa. Cần liên kết lại để các ngành hàng bền vững, tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tạo ra thị trường, ứng dụng mạnh khoa học công nghệ…

Để giữ được thị trường, bản thân chúng ta phải cấu trúc được các ngành hàng, gắn người sản xuất với các doanh nghiệp. Ngày xưa cứ thuận mua vừa bán, đến mùa đến vụ doanh nghiệp đến tận vườn mua. Giờ dần dần doanh nghiệp tìm đến các hợp tác xã, thậm chí đầu tư cho hợp tác xã, xem như đó là người đồng hành với mình.

Nông sản Việt khi xuất khẩu gia tăng cũng chính là hình ảnh Việt Nam được nâng lên trong mắt bạn bè quốc tế. Hình ảnh đất nước được nâng lên thì niềm tin vào các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng được tăng lên… đây là cả một chiến lược của Đảng, Nhà nước, không phải là chỉ là đi buôn bán nông sản nữa mà xem nông sản như một hình ảnh quốc gia, chúng ta truyền thông điệp tới thế giới: Việt Nam là một quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm.

Nói về sự thay đổi, điều đầu tiên phải kể đến đó là sự thay đổi về thị trường. Việt Nam đang từng bước đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Nếu như trước kia chúng ta bán sản phẩm ở thị trường thấp nhưng nay Việt Nam đã có nhiều tầng lớp sản phẩm vào thị trường cao cấp, trung cấp, thị trường thấp cấp. Chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang đa giá trị.

 Nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “trụ đỡ” kinh tế (Ảnh: PV)

Ngày xưa người nông dân chỉ trồng lúa đơn thuần thì nay đã có nhiều mô hình linh hoạt như đồng lúa đồng rươi ở Hải Dương, Hải Phòng, đồng lúa tôm, lúa cá ở đồng bằng sông Cửu Long… Nông dân Việt Nam đã vượt qua được tư duy truyền thống chỉ một ngành hàng, tư duy thuần lúa. Nông nghiệp không còn chỉ là trồng trọt và chăn nuôi mà mà đã tích hợp ở nhiều ngành hàng để tạo ra giá trị cao hơn.

Chúng ta thấy những sản phẩm OCOP, đằng sau chứng nhận sản phẩm OCOP đó chính là sự tích hợp đa giá trị. Nông dân không còn bán thô nữa mà đã tích hợp những tài nguyên bản địa tạo ra được những dòng sản phẩm mới. Có thể thấy sức sống của ngành nông nghiệp của còn có dư địa rất nhiều, chỉ cần thay đổi tư duy, thay đổi sản xuất sẽ tạo ra được sản phẩm thích ứng cho các phân khúc của thị trường khác nhau. Đó là cơ hội để Việt Nam tiến tới một ngành nông nghiệp vững vàng, một nền nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên và những nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hệ sinh thái. Đó cũng là niềm tin của đất nước khi bước vào năm 2024.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, ngành nông nghiệp cũng đẩy nhanh quá trình thích ứng với xu thế thay đổi, xu hướng xanh hóa với toàn cầu. Nông nghiệp không chỉ đơn thuần là nông nghiệp mà là tích hợp trong ngành hàng, giá trị. Lợi nhuận thu nhập người nông dân tăng gấp nhiều lần. Đồng thời cũng phải đặt câu hỏi người nông dân nước khác làm lúa năng suất cũng như vậy, tại sao hạt gạo của họ giá trị gấp 10 lần, đó là vì họ làm câu chuyện đằng sau hạt lúa, chuyển mạnh từ tư duy sản xuất sang kinh tế, du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí, công nghệ thông minh, phải tạo ra hiệu ứng truyền thông. Đó là điều mà ngành nông nghiệp nước ta tới đây cũng phải tập trung làm tốt và hiệu quả.

Sản xuất nông nghiệp vẫn là trụ cột của nền kinh tế, cần không ngừng phát huy và gia tăng giá trị nông nghiệp để trụ cột ngày càng vững bền./.

Theo dangcongsan.vn